Không đồng ý nhận chìm chất nạo vét dự án Nhiệt điện Vũng Áng II để bảo vệ môi trường và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng
Tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II về kiến nghị của Công ty này liên quan đến xử lý vật chất nạo vét Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh không đồng ý với phương án nhận chìm vật liệu nạo vét ở biển như đề xuất của doanh nghiệp. Thay vào đó là phải thực hiện biện pháp thi công nạo vét, tận dụng vật liệu san lấp theo phương án đã được Bộ TN&MT phê duyệt.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng II (Sau đây gọi tắt là VAPCO) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, công suất 1.320 MW, đầu tư theo hình thức BOT tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Hiện, dự án đang trong giai đoạn thi công các hạng mục công trình.
Được biết, trong quá trình thi công dự án phải tiến hành nạo vét khoảng trên 3 triệu m3 vật liệu nạo vét (đá, sét, bùn, cát, sỏi hạt nhỏ…) từ dưới biển. Vì thế, vào năm 2019, VAPCO đã xin điều chỉnh phương án nạo vét và xử lý vật liệu nạo vét. Theo đó, sẽ tận dụng vật liệu nạo vét để san nền nhà máy chính với khối lượng khoảng 1,4 triệu m3; Cân bằng đào đắp sử dụng khối lượng nạo vét từ khu vực bến cảng và luồng tàu chạy bao gồm cả các khu nước trước bến, luồng và luồng vào cảng khối lượng khoảng 0,3 triệu m3 để lắp hệ thống tuyến ống lấy và xả nước làm mát. Riêng phần vật liệu nạo vét còn lại khoảng 1,7 triệu m3 được đổ trên bờ tại vị trí cách nhà máy chính khoảng 5,5 km về phía Đông Nam để tận dụng san lấp mặt bằng cho các dự án đầu tư sau này vào KKT Vũng Áng.
Trong giai đoạn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, nhận thấy vật liệu nạo vét là một nguồn tài nguyên không chỉ quan trọng mà thậm chí còn mang tính cấp thiết bởi việc sử dụng vật liệu này (thay vì chôn lấp hoặc đổ thải nhậm chìm ở biển) đem lại các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Vì thế, tỉnh Hà Tĩnh khi đó đã chấp thuận vị trí khu vực đổ vật liệu nạo vét trên đất liền của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II tại vị trí khu đất phía bên trái tuyến đường từ QL1A đi cảng Sơn Dương (cạnh cổng phía xã Kỳ Lợi của dự án Formosa) thuộc xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh với diện tích khoảng hơn 63ha với khối lượng khoảng 1,7 triệu m3.
Tại Văn bản số 7395/UBND-GT ngày 05/11/2019, vị trí khu vực đổ vật liệu nạo vét thuộc khu vực quy hoạch công nghiệp, công nghiệp nặng (trong lô CN4) theo quy hoạch chung của Khu kinh tế đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Việc tận dụng vật liệu nạo vét này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt điều chỉnh Báo cáo Đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 132/QĐ-BTNMT ngày 15/01/2020 và thống nhất điều chỉnh phương án thi công nạo vét và san lấp mặt bằng tại Văn bản số 3923/BTNMT-TCMT ngày 15/7/2021. Đến nay, VAPCO mới chỉ thực hiện đổ vật liệu nạo vét lên bờ với khối lượng chỉ 248.900 m3 tại các vị trí đã được chấp thuận, quá trình thực hiện VAPCO có đề nghị bổ sung diện tích để lưu giữ vật liệu nạo vét, các sở, ngành liên quan đã tham mưu bổ sung diện tích khoảng 15 ha theo đề nghị của VAPCO, tổng diện tích sau khi bổ sung điều chỉnh tăng thêm 06 ha so với ban đầu.
Tuy nhiên, thời gian qua VAPCO đã liên tục có văn bản đề xuất xin chấp thuận nhận chìm trên biển vật chất nạo vét của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II. Khối lượng nhận chìm ở biển dự kiến của VAPCO là từ 2.200.973 m3 đến 2.593.973 m3 tùy vào điều kiện thi công thực tế. Khối lượng nạo vét nêu trên nằm ở các hạng mục nạo vét khu vực cửa nhận, cửa xả, vũng quay tàu và luồng hàng hải.
Sau khi nghiên cứu, xem xét cụ thể, kỹ càng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cùng ý kiến tham mưu của các Sở, ngành liên quan, ngày 24/01/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra quyết định và chính thức có Văn bản số 475/UBND-NL trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II liên quan đến vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II gửi VAPCO.
Theo đó, tại văn bản nêu trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu thực hiện các nội dung liên quan theo đúng nội dung đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt điều chỉnh Báo cáo Đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 132/QĐ-BTNMT ngày 15/01/2020 và thống nhất điều chỉnh phương án thi công nạo vét và san lấp mặt bằng tại Văn bản số 3923/BTNMT-TCMT ngày 15/7/2021; chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, các hệ lụy và quy định có liên quan.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu VAPCO tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo đúng kế hoạch đề ra; trường hợp Dự án bị chậm tiến độ do Công ty có nhiều lần thay đổi phương án thực hiện đối với các nội dung liên quan thì Công ty phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật và các nội dung đã ký kết.
Được biết, phương án nhận chìm vật chất nạo vét ở biển dấy lên sự lo ngại của các nhà chuyên môn, dư luận trong nhân dân sinh sống ven biển trong khu vực, vì có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái biển, tiềm ẩn nguy cơ về nhiều mặt và không tận dụng được nguồn vật chất nạo vét để làm vật liệu san lấp góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.
Vì thế, việc yêu cầu VAPCO tiếp tục thực hiện thu hồi toàn bộ khối lượng vật liệu nạo vét từ kênh nhận nước làm mát, kênh xả nước làm mát và khu nước trước bến, khu quay tàu của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II bằng biện pháp thi công phù hợp để sử dụng làm vật liệu san nền nói trên của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhằm bảo vệ môi trường sinh thái được dư luận địa phương đánh giá cao và góp phần tiết kiệm kinh phí hàng trăm tỉ đồng cho việc sử dụng vật liệu san lấp thay thế khác.
Được biết, vào tháng 9/2023, tỉnh Quảng Bình cũng đã quyết định không thực hiện việc nhận chìm gần 3 triệu m3 vật chất nạo vét để xây dựng cảng nhập than, thuộc dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm điện lực Quảng Trạch, huyện Quảng Trạch mà chuyển lên bờ làm vật liệu san lấp nhằm giữ gìn môi trường sinh thái.