Tại Hội thảo “Môi trường không khí và các bệnh có liên quan” do Hội Y học TP.HCM tổ chức, các chuyên gia đều khẳng định, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp mà còn ảnh hưởng đến tất cả cơ quan như da, tim mạch, hệ thần kinh… Đặc biệt, nó còn là tác nhân gây dẫn đến ung thư, điển hình là ung thư phổi. Các nghiên cứu dịch tễ học mô tả, phân tích cho thấy, tỷ lệ ung thư phổi nhiều hơn các vùng có mật độ ô nhiễm không khí cao.
Số liệu thống kê, mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 56 người mắc mỗi ngày, trong đó, có đến 17.000 người đã tử vong. Ước tính đến năm 2020, có tới 34.000 người mắc mỗi năm, mỗi ngày, có thêm 90 người phát hiện mắc bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ. Hàng ngày, có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỷ USD. Đối với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm (chiếm từ 5 - 7% GDP).
Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.