Môi trường

Hà Nội sẽ khoanh vùng phát thải thấp

Minh Hạnh 26/11/2024 - 15:48

Một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Thủ đô Hà Nội là xây dựng vùng phát thải thấp. Hoàn Kiếm sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm thực hiện.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi Trường, bà Lê Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) chia sẻ, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô vào tháng 7/2024 đã giúp cho Hà Nội chủ động thực hiện một số nội dung quản lý Nhà nước, trong đó có công tác quản lý chất lượng không khí, đó là xây dựng các tiêu chí trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp cho Thành phố Hà Nội.

PV: “Vùng phát thải thấp” là nội dung được được nêu trong Luật Thủ đô. Sắp tới, Hà Nội sẽ triển khai ra sao, thưa bà?

Bà Lê Thanh Thủy: Điều 3 Luật Thủ đô quy định rõ: Vùng phát thải thấp là khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí cho thành phố Hà Nội. Đây vừa là định nghĩa, nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ đây là tiêu chí cũng như mục đích để xây dựng vùng phát thải thấp cho thành phố Hà Nội.

Đến thời điểm hiện, Sở TN&MT là cơ quan chuyên môn, đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan và chúng tôi đang dự thảo Nghị quyết để xác định các tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp cho thành phố Hà Nội và sẽ trình HĐND thông qua vào tháng 12 này.

Điều đó có nghĩa từ 1/1/2025, Thành phố Hà Nội sẽ có những quy định, hành lang pháp lý để xây dựng vùng phát thải thấp. Trong đó, có các tiêu chí, điều kiện cụ thể, cũng như biện pháp để các địa phương khác nhau, tùy vào tình trạng, đặc thù, năng lực của mình, để tự xác định những vùng phát thải thấp phù hợp với tiêu chí, điều kiện để cuối cùng, chính sách đó có thể được đi vào thực tế và vùng phát thải thấp được thực hiện trong những năm tới.

Một trong những tiêu chí hiện nay mà Sở TN&MT đang đưa vào Nghị quyết để tình HĐND đó là khu vực phát thải thấp phải có tối thiểu một năm liền kề có chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn cho phép. Và đây mới chỉ là một trong những tiêu chí đề ra. Đó là vùng chúng tôi xác định để cân nhắc xây dựng vùng phát thải thấp đối với địa phương đó.

screenshot-2024-11-26-at-14.25.38.png
Hà Nội đang xây dựng đề án vùng phát thải thấp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí

Để làm được việc này, Sở TN&MT đang xây dựng hệ thống quan trắc đánh giá chất lượng không khí cho toàn thành phố cũng như cho từng quận, huyện. Với kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí, một trong những nội dung quan trọng đó là từ nay tới năm 2026, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí. Từ đó, chúng tôi sẽ xác định các nguồn chính, cũng như tình trạng chất lượng không khí trên toàn thành phố Hà Nội.

Từ đó, các quận huyện, các địa phương trên địa bàn sẽ xác định những vùng cần xây dựng là vùng phát thải thấp.

PV: Người dân đang hiểu rằng vùng phát thải thấp nghĩa là chúng ta sẽ cấm những phương tiện cá nhân đi vào vào đó, có đúng hay không, thưa bà?

Bà Lê Thanh Thủy: Như tôi đã chia sẻ, vùng phát thải thấp là khu vực hạn chế các phương tiện giao thông có mức phát thải cao đi vào khu vực phát thải thấp đó, mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng với những xe đạt tiêu chuẩn cho phép, hoàn toàn có thể lưu hành bình thường. Còn những xe vượt quá tiêu chuẩn cho phép đó, một là chúng ta có thể chuyển đổi sang các xe khác để làm sao đảm bảo bầu không khí trong lành cho thủ đô. Hoặc chúng ta cần trả một mức phí nào đó, số tiền này sẽ được đưa trở lại để phục hồi môi trường theo nguyên tắc mà Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra, đó là “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

PV: Viêc xây dựng vùng phát thải thấp được phân quyền cho các địa phương thực hiện, vậy Hà Nội có thí điểm cho địa phương nào không, thưa bà?

Bà Lê Thanh Thủy: Chúng tôi rất vui khi Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2025, UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị tiên phong đăng ký thí điểm. Sau khi Nghị quyết của HĐND được thông qua, quận Hoàn Kiếm cũng sẽ được chọn làm đơn vị tiên phong vì họ cũng có những điều kiện, tiền đề cho việc xây dựng vùng phát thải thấp.

Thực tế cho thấy, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thành công khu vực đi bộ. Về bản chất, khu vực đi bộ cũng có thể được coi là khu vực phát thải thấp.

Tôi tin rằng, với những kinh nghiệm cũng như thành ban đầu và bài học đó, quận Hoàn Kiếm có thể trở thành địa phương tiên phong, thể hiện sự quyết tâm trong việc cải thiện chất lượng không khí, xây dựng các bùng phát thải thấp để cải thiện sức khoẻ cho người dân. Đó cũng sẽ là mô hình giúp cho chúng tôi rút ra bài học, điều chỉnh quy định và cuối cùng đưa quy định vào cuộc sống.

screenshot-2024-11-26-at-14.27.35.png
Hà Nội đang nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí

PV: Đâu là thách thức của Thành phố Hà Nội khi thực hiện vùng phát thải thấp, thưa bà?

Bà Lê Thanh Thuỷ: Bất cứ một chính sách nào khi ban hành cũng sẽ có những thách thức. Trong đó, điều đầu tiên phải nói đến là vùng phát thải thấp chưa bao giờ có tiền lệ thực hiện ở Việt Nam. Chúng ta chưa thể thấy khi chúng ta ban hành chính sách này, nó có thực sự đi vào cuộc sống hay không, chúng ta có thể thực hiện được hay không.

Khó khăn thứ hai là chưa có quy chuẩn để kiểm định xe máy.

Thứ ba, hệ thống quan trắc cũng như hạ tầng về mặt giao thông và giám sát của chúng ta còn chưa hoàn thiện.

Nhìn nhận tích cực thì những thách thức đó đang trở thành cơ hội thúc đẩy chúng ta hành động. Nếu chúng ta không thực hiện bây giờ, không biết bao giờ chúng ta mới thực hiện được.

Tín hiệu lạc quan là ngay tại Hội nghị Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn của Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức đầu tháng 11 vừa qua, các đại biểu đã trao đổi liên quan đến lộ trình đến năm 2025, trong đó Bộ TN&MT cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về phát thải cho các xe, phương tiện giao thông đang lưu hành.

Điểm thứ hai, từ cấp quốc gia, đó là Bộ TN&MT và Thành phố Hà Nội, các đơn vị đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng về mặt quan trắc cũng như các chương trình, đề án để chuyển đổi phương tiện giao thông sang phương tiện giao thông xanh, khuyến khích xây dựng hạ tầng để phục vụ phương tiện giao thông công cộng.

Cần lưu ý thêm, xây dựng vùng phát thải thấp không phải một chính sách độc lập mà nó phải là chính sách nằm trong chính sách về cải thiện chất lượng không khí của thành phố, trong chính sách về phát triển hạ tầng về mặt giao thông, cũng như chính sách để bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Do đó, xây dựng vùng phát thải thấp sẽ là tổng hoà của các giải pháp mà thành phố Hà Nội có thể đạt được để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn bà!

Vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 và PM 1.0, đã được ghi nhận ở nhiều đô thị lớn phía Bắc, bao gồm Thủ đô Hà Nội. Chỉ riêng
trong năm 2024, Hà Nội đã trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, với 3 đợt ghi nhận trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 và một đợt vào đầu tháng 10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẽ khoanh vùng phát thải thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO