Ô nhiễm không khí ngoài trời có thể làm giảm gần ba năm tuổi thọ của con người

Mai Đan| 06/03/2020 15:30

(TN&MT) - Khảo sát toàn cầu cho thấy ô nhiễm không khí ngoài trời làm giảm tuổi thọ con người nhiều hơn so với hút thuốc lá.

Nghiên cứu cho thấy trên toàn cầu, trung bình 2,9 năm tuổi thọ bị mất do ô nhiễm không khí ngoài trời. Hình ảnh được chụp tại Sarajevo ở Bosnia. Ảnh: Fehim Demir / EPA

Ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ nhiều hơn các tác nhân khác

Các nhà nghiên cứu cho biết trung bình con người đã giảm gần ba năm tuổi thọ vì ô nhiễm không khí ngoài trời.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy số năm trên có thể rút xuống một năm nếu phát thải nhiên liệu hóa thạch giảm xuống 0. Trong khi đó, nếu tình hình ô nhiễm không khí có thể kiểm soát được cắt giảm, tuổi thọ toàn cầu có thể tăng hơn 20 tháng.

Các tác giả cho biết: “Điều này chứng minh rằng ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch đủ điều kiện trở thành một yếu tố rủi ro sức khỏe toàn cầu”.

Nghiên cứu này dựa trên nghiên cứu trước đó của nhóm đã xác nhận khoảng 8,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới, gấp đôi so với ước tính trước đó do ô nhiễm không khí ngoài trời. Nghiên cứu mới kiểm tra toàn bộ vấn đề ô nhiễm không khí trên toàn thế giới và cụ thể cho từng khu vực và quốc gia.

Tác giả của nghiên cứu, GS. Jos Lelieveld thuộc Viện hóa-địa-sinh học Max Planck, Đức cho biết: Việc giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí cao hơn nhiều so với các yếu tố rủi ro khác. Điều đó rất đáng ngạc nhiên.

Tương tự như nghiên cứu trước đó, nghiên cứu mới dựa trên mô hình phát triển gần đây về tác động của chất dạng hạt PM2.5 đối với cơ thể, cũng như mô hình tác động của ozone, mức độ tiếp xúc với các chất ô nhiễm này, cũng như số liệu dân số và tỷ lệ tử vong trong năm 2015.

Từ dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã tính toán tỷ lệ tử vong sớm có thể do ô nhiễm không khí ngoài trời theo 6 loại, bao gồm các bệnh không lây nhiễm không xác định – chẳng hạn như huyết áp cao và bệnh tiểu đường.

Kết quả cho thấy, trên toàn cầu, trung bình 2,9 năm tuổi thọ bị mất do ô nhiễm không khí ngoài trời - một số lượng lớn hơn so với hút thuốc lá (2,2 năm), bạo lực (0,3 năm), HIV/Aids (0,7 năm) và bệnh lây lan do ký sinh trùng và các công trùng khác (mất 0,6 năm).

Khuyến cáo ô nhiễm không khí ngoài trời có thể giảm thiểu được, nhóm nghiên cứu cho biết thêm, hơn 5,5 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu có thể tránh được mỗi năm.

Tuy nhiên, có sự thay đổi giữa các khu vực và quốc gia. Thực hiện giải pháp sẽ cứu được 2,4 triệu người chết sớm mỗi năm ở Đông Á và lấy lại ba trong số 3,9 năm tuổi thọ bị mất vì ô nhiễm không khí ngoài trời.

Trong khi đó, ở Châu Phi chỉ có 230.000 người chết sớm mỗi năm và có thể rút ngắn 8 tháng trong số 3,1 năm tuổi thọ bị mất. Ở Australia, mức tăng sẽ còn nhỏ hơn nữa.

“Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm ô nhiễm không khí ngoài trời ở Châu Phi bị chi phối bởi bụi gió và Australia có chính sách ô nhiễm không khí nghiêm ngặt hơn so với nhiều quốc gia khác” - các tác giả lưu ý.

Cần nghiên cứu thuốc giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí

Nhóm nghiên cứu nhận thấy số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí nói chung tăng theo tuổi. Tuy nhiên, đối với một số khu vực, bao gồm Châu Phi và Nam Á, cũng có một số lượng tử vong sớm ở trẻ nhỏ.

Bệnh tim mạch vành chiếm số lượng tử vong lớn nhất trong số 6 loại, ở mức gần 2,8 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới và chiếm hơn 28% tổn thất về tuổi thọ. Ngược lại, tử vong do ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp dưới cùng nhau tạo ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời một năm.

Giáo sư Thomas Münzel thuộc Trung tâm Y tế Trường Đại học Mainz ở Đức, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết điều này không đáng ngạc nhiên. “Mặc dù phổi là mục tiêu chính của ô nhiễm không khí, gây viêm phổi nhưng các phân tử gây ô nhiễm cũng truyền vào máu và mạch máu, gây viêm theo thời gian và mảng bám sẽ tích tụ trong các động mạch” – GS Münzel nói thêm.

Ông cũng cho biết những nghiên cứu nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của việc ô nhiễm không khí là tác nhân gây ra bệnh tim mạch trong các hướng dẫn chính thức cho các tình trạng như vậy.

Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế, cụ thể nó chỉ xem xét hai chất gây ô nhiễm không khí và không tính đến thành phần hóa học của chất dạng hạt. Trong số các yếu tố khác, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể có những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chưa phát hiện trong hiện tại, trong khi các mô hình dựa trên dữ liệu từ một số quốc gia hạn chế.

Tuy nhiên, Münzel đánh giá nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết hành động của các quốc gia.

“Chúng ta cần mức phát thải thấp hơn bởi 91% dân cư đô thị trên thế giới hít thở bầu không khí ô nhiễm không đáp ứng các tiêu chuẩn trong Hướng dẫn Chất lượng không khí được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra về hạt PM2.5” – Münzel nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh các biện pháp như lập kế hoạch và quản lý thành phố, hoặc các cải tiến về chăm sóc sức khỏe cũng có thể cải thiện tuổi thọ. Tuy nhiên, Münzel cho rằng điều quan trọng là tiến hành nghiên cứu các loại thuốc có thể giảm thiểu tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí.

Theo Tổng hợp từ Guardian
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm không khí ngoài trời có thể làm giảm gần ba năm tuổi thọ của con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO