Từ khi CCN Đồng Dinh, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đi vào hoạt động cũng là lúc người dân cũng là lúc các nhà máy này xả thải trực tiếp vào mương nước. Nước bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến khu dân cư liền kề. Không những ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà ô nhiễm còn khiến nhiều hécta ruộng phải bỏ hoang.
Nước đen kịt, bốc mùi hôi thối ở các kênh mương gần CCN Đồng Dinh |
Ông Hà Giàu, trú thôn Phúc Minh bức xúc, gia đình ông có hơn 2 sào ruộng ở cánh đồng Bàu Du, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa, thu hoạch được 3 tạ thóc là nguồn thu nhập để trang trải sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, 3,4 năm qua, ruộng lúa phải bỏ hoang do nước thải từ các nhà máy trong CCN Đồng Dinh thường xuyên xả thải gây ngập úng và ai đi làm đồng về cũng bị ghẻ lở nên từ đó đành để hoang.
“Hàng chục hộ dân ở đây không thể canh tác do ảnh hưởng từ CCN Đồng Dinh. Các nhà máy này đã xả thải trực tiếp vào mương nước cầu kênh xuống cánh đồng Bàu Đơn, Bàu Đia thuộc xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Người nông dân chúng tôi sống bám vào đồng ruộng mà giờ không canh tác được khác nào lấy mất “cần câu cơm”. Tôi rất mong chính quyền vào cuộc kiểm tra chứ không người dân không biết lấy gì mà sống”- ông Giàu bức xúc nói.
Các ống cống gần CCN Đồng Dinh thải nước trực tiếp ra kênh mương |
Cũng theo ông Giàu, việc các nhà máy phân bón, nhà máy mì và nhà máy dăm ở CCN Đồng Dinh thải nước ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước ở các kênh mương chuyển đổi sang màu đen kịt và bốc mùi hôi. Rõ nhất là cứ 3-4 ngày, cá lại chết trắng. Tình trạng này lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay.
Việc ô nhiễm nước kéo dài dẫn đến nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng, nhiều người dân đã sống chung với những giếng nước bị ô nhiễm từ mạch ngầm. Hàng ngày, ngoài tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm, gia đình ông cũng phải uống nước ô nhiễm. Ông Hồ Minh Ba, trú thôn Phúc Minh cũng cho biết, mỗi khi các nhà máy hoạt động, khói và bụi thải mù trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.
“Nhà tôi cách CCN Đồng Dinh này hơn 200m nên việc các nhà máy thải nước ra kênh mương. Vì vậy, tôi rất lo sợ nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng nên lo sợ mắc các bệnh tật cho các thành viên trong gia đình mình. Trước sự việc này, tôi và nhiều bà con khác trong thôn đã làm đơn trình bày về sự việc này gửi lên cơ quan chức năng. Nhưng đến này vẫn chưa thấy chính quyền có hướng giải quyết dứt điểm”- ông Ba chia sẻ.
Cánh đồng Bầu Du bỏ hoang vì ô nhiễm và ngập nước xả thải |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đơn phản ánh gửi cơ quan chức, người dân thôn Phúc Minh phản ánh việc xả thải khiến cánh đồng Bàu Du không thể gieo trồng được nên họ phải để đất trống từ 4 năm nay, các hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng gồm: ông Nguyễn Đức Minh bị ảnh hưởng 1.020m2, ông Hồ Minh Ba là 500m2, ông Hồ Nhâm là 500m2, ông Trần Nhị là 750m2, ông Hồ Văn Là là 500m2, ông Hà Giàu là 750m2, ông Hồ Nở là 250m2;…
Ông Lê Thanh Hùng, quyền Chủ tịch UBND xã Hành Thuận cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân chính quyền xã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Nghĩa Hành đã đi kiểm tra và lấy mẫu nước xét nghiệm. Trực quan thì thấy, nước từ cống thải chảy ra trong nhưng trên các mương có màu đen. Đơn vị đã lấy mẫu quan trắc để xem có ô nhiễm hay không rồi mới tham mưu cho Sở TN&MT.
“Hiện cánh đồng Bầu Du có khoảng 1,7ha ruộng bỏ hoang, nguyên nhân bỏ hoang là do diện tích các đám ruộng ở đây nằm ở vùng trũng thường xuyên bị ngập úng nên rất khó khăn trong việc gieo trồng. Còn nguyên nhân mà bà con phản ánh diện tích cánh đồng Bầu Du bỏ hoang do nước thải của CCN Đồng Dinh ra gây chết lúa thì khó mà xác định được mà phải chờ ngành chức năng kết luật”- ông Hùng cho biết.
Theo Sở TN&MT CCN Đồng Dinh chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, |
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, sau khi tiếp nhận đơn thư, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Nghĩa Hành tổ chức kiểm tra, thực tế việc xả thải của các doanh nghiệp trong CCN Đồng Dinh.
Đoàn kiểm tra ghi nhận, hiện nay, trong CCN Đồng Dinh có 09 cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động các lĩnh vực như may mặc, chế biến lâm sản, phân bón như Công ty TNHH Hoàng Phú Sơn (sản xuất viên gỗ nén sinh học); DNTN Hòa Đoàn (gia công chế biến gỗ); Công ty TNHH Mỹ Thịnh (sản xuất ván ép, chế biến lâm sản)... Tuy nhiên, hiện CCN Đồng Dinh chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ chất thải rắn…. Do đó, công tác quản lý nhà nước và bảo vệ môi trường tại các CCN chưa được kiểm soát chặt chẽ còn nhiều bất cập để đảm bảo môi trường tại CCN Đồng Dinh.
“Sở đã đề nghị UBND chỉ đạo huyện Nghĩa Hành có kế hoạch đầu tư xây dựng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp Đồng Dinh để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND huyện Nghĩa Hành yêu cầu các doanh nghiệp trong CCN Đồng Dinh thực hiện hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, kiểm tra xử lý các trường hợp xả thải không đúng quy định”- ông Nguyễn Quốc Tân khẳng định.