Diễn biến lũ và triều cường năm nay ngoài dự đoán của nhiều cơ quan chuyên môn và cả nhiều người nông dân có kinh nghiệm…
Đánh bắt cá khi lũ bắt đầu dâng cao |
Kẻ mừng có lũ…
Không khí mua bán ngư lưới cụ tại làng lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mấy ngày nay nhộn nhịp bất thường. Lượng khách đến mua các loại lưới, dó, đăng, lọp, lờ… đã tăng gấp đôi so với những ngày trước, dù giá bán đã nhích lên từ 10 - 20%.
Ông Võ Hoàng Tâm, chủ một cơ sở bán ngư lưới cụ tại đây hồ hởi nói: “Mấy tháng nay đâu có bán buôn gì được bởi nước lũ không về như mọi năm. Vậy mà bỗng nhiên nước lại lên bất thường khiến ngư dân từ các tỉnh về đây mua ngư cụ quá nhiều, nghe nói nước lũ còn lên cả tháng nữa, nhiều cơ sở mua bán và người làm thuê tại đây phấn khởi lắm”.
Tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, không khí mua bán cá đồng cùng nhiều sản vật của mùa nước nổi khá nhộn nhịp, nhiều nhất là cá linh, cá he, rô, cua đồng, lươn, chuột đồng… Nhiều thương lái từ các nơi đổ xô về đây từ nửa đêm để thu mua thủy sản. Rất nhiều phương tiện ghe xuồng đánh bắt đậu san sát dưới bến tàu để mua bán.
Một điểm mua bán ngư lưới cụ tại làng lưới Thơm Rơm nhộn nhịp trở lại |
Ông Trần Văn Tuộc, ngụ xã Khánh Bình vui vẻ nói: “Mấy tháng nay không có lũ nên vợ chồng tôi phải đi làm thuê tận Cam-pu-chia, kiếm tiền cho ba đứa con nhập học. Mấy ngày nay, thấy tình hình nước lên nên nhà tôi quay về đây bắt cá. Hiện mỗi ngày kiếm được từ 1 - 1,5 triệu đồng, nếu nước lũ còn kéo dài thì sẽ có nguồn thu nhập khá”.
Tại làng chuyên làm lưỡi câu An Hòa, TP Long Xuyên (An Giang), tốc độ sản xuất lưỡi câu các loại đã tăng gấp đôi, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ngày đêm, phần nào bù đắp khó khăn bởi nhiều tháng qua không có việc làm do lũ không về. Bình quân mỗi lao động tại đây có thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày tùy thuộc số lượng sản phẩm làm ra.
… Người lo triều cường
Chúng tôi có mặt trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trong cơn mưa tầm tã bởi ảnh hưởng của cơn bão số 8 đang tiến vào đất liền. Nhiều xe 2 bánh đã phải dừng lại bởi nhiều đoạn đường đã bị triều cường tràn ngập mặt đường. Nhiều xe ô tô nối đuôi nhau di chuyển rất chậm trong dòng nước ngập rất sâu.
Ông Trương Trọng Nghĩa, ngụ TPHCM bức xúc nói: “Tôi trên đường về Sóc Trăng dự đám giỗ người thân, đi đến đây thì chào thua phải đợi nước rút và bớt mưa để bớt nguy hiểm. Đâu ai ngờ triều cường lại xuất hiện quá bất ngờ, không nghe báo đài nào thông tin. Thôi thì phải chờ vậy”.
Triều cường gây ngập ở TP Cần Thơ |
Tại TP Cần Thơ, trong nhiều ngày qua, mưa như trút nước và kéo dài nhiều ngày nên người mua bán lâm vào tình trạng ế ẩm. Đã vậy, trong 3 ngày 15,16, 17/10, triều cường đột ngột dâng cao gây ngập hầu hết các tuyến đường nội ô thành phố, làm đảo lộn mọi sinh hoạt thường nhật của người dân. Rất nhiều phương tiện lưu thông bị chết máy dọc đường. Nhiều cán bộ công chức, viên chức, công nhân đến nơi làn việc muộn hơn; nhiều học sinh đến trường trễ hơn nhiều so với ngày thường; nhiều hàng quán phải đóng cửa tạm thời.
Tại huyện Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), rất nhiều nông dân thuê phương tiện cơ giới gia cố lại bờ bao để bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái. Các cồn (cù lao) trên sông Hậu như cồn Sơn, cồn Khương, Tân Lộc (Cần Thơ); cồn Mây, cồn Dài (Vĩnh Long); cồn Nai, cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng)… đều tổ chức lực lượng tuần tra và gia cố đê bao để đề phòng nước lũ tràn vào. Nhiều địa phương đã khuyến khích nông dân tranh thủ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp như cây ăn trái, rau màu, thủy sản để tránh thiệt hại cùng những khuyến cáo khác có liên quan đến mùa vụ tiếp theo.
Nói như nông dân miền Tây thì: không lũ cũng buồn, lũ lớn cũng lo. Điều quan trọng là tinh thần cảnh giác cùng các biện pháp thích ứng nhất trong mọi tình huống để tránh bị động và thiệt hại về của lẫn người.