Người dân thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) bàng hoàng kể loại những lần sạt lở nguy hiểm tại núi Cát Dương |
Có mặt tại tại khu vực dân cư bên đường tỉnh lộ 508, đoạn K5+220 cách mép đường khoảng 15-20m, thuộc địa phận thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung. PV không khỏi kinh ngạc khi chứng kiến hàng trăm khối đất đá từ núi Cát Dương đã sạt lở và “ôm trọn” một phần nhà cửa của các hộ dân nơi đây. Trong đó, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, có đoạn chiều dài từ 40-50m, vách đứng chiều cao từ 10-15m với độ dốc đứng khoảng 80-85 độ. Nghiêm trọng hơn, xuất hiện tình trạng tường nhà bị đổ nát, sứt mẻ, mái nhà “vỡ toác” thành nhiều mảnh, trực tiếp đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Núi Cát Dương sạt lở khiến nhà cửa bị đổ sập, mái nhà vỡ toác |
Bà Đỗ Thị Tâm (thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại), một trong những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở núi Cát Dương, bàng hoàng kể lại: “Ở đây cứ mỗi khi mùa mưa bão về là núi Cát Dương lại sạt thêm một phần. Tôi còn nhớ vào một đêm năm 2017, sau trận mưa kéo dài nhiều ngày, đất đá bất ngờ rầm rầm đổ từ đỉnh núi xuống khu vực dân cư, khiến gian bếp nhà tôi bị vùi lấp hoàn toàn, một phần tường nhà bị đổ nát. Nhà bên cạnh có người may mắn tỉnh dậy kịp thời để chạy thoát thân, trên người lúc đó vẫn còn quấn chăn, chân đi trần, người lấm lem bùn đất, thật sự quá nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Văn Chính (thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại) tỏ ra lo lắng: Suốt từ năm 2007 đến nay, người dân chúng tôi phải đối mặt với nhiều trận sạt lở. Trong đó, có 3 lần nặng nhất, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản người dân, khiến chúng tôi luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ và “ăn không ngon, ngủ không yên”. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng sớm có phương án xử lý, giúp người dân ổn định sinh sống”.
Người dân thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu trong nhiều năm |
Theo tìm hiểu, khu vực núi Cát Dương phần lớn là đất quốc phòng của Quân Khu 4, và một phần diện tích thuộc UBND xã Lĩnh Toại quản lý. Tại đây, có tới hàng chục hộ dân sinh sống tại khu vực chân núi, trong đó khoảng 5, 6 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở. Trước tình trạng trên, người dân thôn Đại Thắng đã nhiều lần làm đơn tập thể, gửi lên các cấp chính quyền địa phương với mong muốn sớm có biện pháp giải quyết, để họ an tâm sinh sống. Song đến nay, việc xử lý sạt lở núi Cát Dương vẫn chưa được triển khai.
Một hộ dân sử dụng lốp xe để giảm thiệt hại do sạt lở |
Trong khi đó, để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của mình, người dân thôn Đại Thắng đã phải tạm thời rời bỏ nhà cửa trong những ngày mưa bão, có người còn giăng, mắc các lốp xe xung quanh nhà, với hy vọng giảm thiệt hại khi đất đá va chạm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những biện pháp trước mắt, tạm thời, thực tế cho thấy với khối lượng đất đá lên tới hàng trăm khối, nếu không có các hạng mục công trình kè giật cấp kiên cố, thì tài sản và tính mạng của người dân khó tránh khỏi nguy hiểm.
Cần sớm có phương án xử lý tình trạng sạt lở tại núi Cát Dương để đảm bảo cuộc sống cho người dân |
Trao đổi với ông Trịnh Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại cho biết: Đúng là tình trạng sạt lở tại núi Cát Dương đã đe dọa tính mạng và tài sản của người dân trong nhiều năm qua. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mỗi mùa mưa bão, UBND xã Lĩnh Toại đã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, thường xuyên túc trực, hỗ trợ, động viên người dân di dời trong những ngày mưa lớn, có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, phía xã nhiều lần báo cáo lên cấp trên đề nghị sớm có biện pháp khắc phục, giúp người dân ổn định sinh sống. Hiện nay, UBND huyện Hà Trung và Quân Khu 4 đã thống nhất có phương án xử lý điểm sạt lở nói trên”.