Môi trường

Nông sản đối mặt với nhiều rào cản xuất khẩu xanh

Khánh Ly 22/11/2023 - 15:09

(TN&MT) - Trong những năm tới, nhiều nhóm hàng hóa nông sản như: đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê, cao su cùng các chế phẩm từ các nguyên liệu trên sẽ chịu sự điều chỉnh từ hàng loạt yêu cầu phát triển bền vững từ Liên minh châu Âu. Trong đó, quan trọng nhất là phải đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị hàng hóa đó.

Thông tin do các chuyên gia thuộc Phái đoàn Nông nghiệp và Thực phẩm bền vững của Đan Mạch chia sẻ tại hội thảo chuyên đề ''Nông nghiệp cho tương lai: Đối thoại Đan Mạch - Việt Nam về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm xanh và tiết kiệm tài nguyên'', diễn ra ngày 22/11, tại TP. Hồ Chí Minh.

img_7265.jpg
Đại diện doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam thảo luận tại Hội thảo

Trước nhu cầu cấp thiết về sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là tối ưu hóa năng suất đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của đất. Trong sản xuất nông nghiệp thực phẩm, nhu cầu đối với các giải pháp công nghệ có khả năng đảm bảo an toàn, chất lượng và tính bền vững của thực phẩm ngày càng tăng.

Xu hướng này thể hiện rõ nét tại Liên minh châu Âu (EU), với việc Liên minh này ban hành hàng loạt các yêu cầu bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo bà Jennifer Phạm, Cố vấn Phát triển bền vững khu vực, Bộ Ngoại giao Đan Mạch, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) được thông qua vào tháng 5/2023 sẽ hiệu lực vào 2025. Theo đó, doanh nghiệp được yêu cầu thu thập thông tin và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông nghiệp, đảm bảo không có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, suy thoái rừng và phải thực hiện báo cáo thẩm định hàng năm.

Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) có hiệu lực từ năm 2024, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo 13 lĩnh vực cụ thể trong bộ chỉ tiêu Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG), và trong Tiêu chuẩn Báo cáo Bền vững Châu Âu, với sự kết hợp của các tiêu chuẩn đặc thù theo ngành. Các tiêu chuẩn sẽ được áp dụng đối với cả hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp và xuyên suốt chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp có hiệu lực vào cuối năm 2026. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành rủi ro cao (bao gồm dệt may, da thuộc, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, khoáng sản) phải xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo mô hình kinh doanh của công ty phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu.

img_7268.jpg
Các đại biểu hai nước trao đổi về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Trong suốt chuỗi giá trị từ nguyên liệu thô đến khi thải bỏ, những vấn đề rủi ro sẽ được xét đến. Cụ thể, nguyên liệu thô được khai thác từ đâu và như thế nào? Có những rủi ro nào về nhân quyền và quyền lao động, hay tác động xấu tới môi trường không? Khâu xử lý và sản xuất sử dụng tài nguyên và phát thải có ảnh hưởng tới môi trường và khí hậu không? Khâu bán hàng, vận chuyển, tiêu thụ có ảnh hưởng tới môi trường, biến đổi khí hậu không? Vòng đời của sản phẩm có thể kéo dài không? Sản phẩm được thải bỏ như thế nào và có thể tái sử dụng phần nào?... Đó là hàng loạt câu hỏi mà các nhà sản xuất, doanh nghiệp, các nhà xuất nhập khẩu phải đối mặt nếu muốn đưa hàng hóa vào châu Âu.

Theo các chuyên gia Đan Mạch, để xây dựng hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp giảm sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Điều này cũng đóng góp cho thực hiện các cam kết toàn cầu của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Theo bà Mie Ole Lauritzen, Giám đốc Food Nation Đan Mạch, khi chọn lựa con đường sản xuất nông nghiệp thực phẩm bền vững, Đan Mạch đã đầu tư phát triển các phương pháp và cách tiếp cận mạnh mẽ, sáng tạo cho toàn bộ chuỗi giá trị.

Trong nhiều năm vừa qua, ngành nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch đã liên tục đầu tư vào thiết bị và giải pháp mới giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng tiêu thụ ít nước và năng lượng hơn. Điều này giúp Đan Mạch sản xuất lương thực nhiều gấp 3 lần mức dân số quốc gia này có thể tiêu thụ, với lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất ở châu Âu.

credit-food-nation-axel-mansson-2-.png
Đan Mạch liên tục đầu tư vào thiết bị và giải pháp mới giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng tiêu thụ ít nước và năng lượng hơn

Tại hội thảo, các công ty nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch và Việt Nam đã cùng thảo luận các giải pháp xanh, không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn tăng cường tính bền vững cũng như các phương pháp và công nghệ mới, sáng tạo, trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm. Qua đó, xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đặt nền tảng cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi trong thời.

Theo bà Mette Ekeroth, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội, chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm luôn là chủ đề hợp tác trọng tâm giữa Đan Mạch và Việt Nam, trong chương trình hợp tác ngành chiến lược hiện tại cũng như quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh thiết lập gần đây giữa hai nước. Sự kiện là dịp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam trong ngành gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như thúc đẩy hợp tác, góp phần đặt nền móng cho tương lai ngành nông nghiệp và lương thực ở cả hai nước.’’

Hội thảo nằm trong chương trình Hợp tác Ngành Chiến lược dài hạn (SSC) giữa Đan Mạch và Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh và bền vững. Theo bà Lene Mølsted Jensen, Chủ tịch SSC, Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch, trong quá trình hợp tác làm việc, các tổ chức và doanh nghiệp hai nước có thể tìm ra những phương thức hợp tác mới và cùng trao đổi ý tưởng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh diễn ra mạnh mẽ hơn. Khi đó, Việt Nam và Đan Mạch không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông sản chất lượng cao mà còn đảm bảo sản xuất bền vững và có trách nhiệm với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản đối mặt với nhiều rào cản xuất khẩu xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO