Thời tiết cực đoan
Trong những năm gần đây, dưới tác động của BĐKH, tỉnh Yên Bái thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; cháy rừng, hạn hán; rét đậm, hét hại và băng tuyết.
Biểu hiện cụ thể, các trận mưa xảy ra với cường độ lớn và khó dự báo trước gây ngập úng cục bộ, lũ ống, lũ quét, trượt lở đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Với đặc thù về địa hình có độ dốc cao, thay đổi đột ngột, sự trượt lở đất sẽ có nguy cơ tiếp tục gia tăng khi có các hiện tượng bất thường về lượng mưa do BĐKH gây ra. Sự gia tăng và phân bổ không đều về lượng mưa; nhiệt độ tăng trong mùa hè và chênh lệch lớn về nền nhiệt trong mùa đông gây chậm thời vụ, năng suất, chất lượng cây trồng giảm. Cùng với đó, rét đậm, rét hại có năm băng tuyết kéo dài khiến cây trồng, vật nuôi bị chết, giảm khả năng chống chịu với thời tiết.
Băng tuyết phủ kín hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái (năm 2016) |
Thời tiết bất thường đã làm hư hỏng công trình thuỷ lợi, làm cho đất bị rửa trôi, xói mòn, gây sạt lở, thoái hoá, bạc màu đất canh tác, làm tăng nguy cơ cuốn trôi gia súc, gia cầm; tạo điều kiện thuận lợi cho bùng phát các dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...
Không những vậy BĐKH còn ảnh hưởng đến các vùng nguyên liệu là đầu vào cho các cơ sở chế biến nông lâm sản, các khu khai thác tài nguyên khoáng sản; các tuyến giao thông bị phá hủy sẽ ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất (vận chuyển nguyên nhiên liệu) cũng như tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh. Lũ quét và sạt lở đất đã phá hủy rất nhiều tuyến đường, cầu và các cơ sở hạ tầng khác, gây sụt lở taluy dương, taluy âm nền đường và úng ngập một số vị trí làm ách tắc giao thông trên một số tuyến đường, làm hư hỏng nhiều vị trí nền đường, công trình thoát nước trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.
Theo kết quả theo dõi và thống kê cho thấy, giai đoạn từ năm 1970 đến nay, các đợt lũ lụt xảy ra tại Yên Bái trở nên thường xuyên hơn, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn. Mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng, hàng ngàn hecta lúa và hoa màu bị mất trắng; nhiều đoạn đường quốc lộ bị ngập và trôi đá; cuốn trôi rất nhiều tài sản, hoa màu của người dân, công trình công cộng của địa phương. Từ đó cho thấy, BĐKH diễn ra ngày càng mạnh hơn và tác động của thời tiết đến cuộc sống của con người ngày càng nhiều, cường độ ngày một lớn hơn.
Gần đây nhất năm 2017, đã xảy ra hai đợt lũ quét lịch sử vào ngày 3/8 tại huyện Mù Cang Chải làm 14 người chết và mất tích; ngày 9-11/10 tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ khiến 28 người chết và mất tích. Đồng thời, phá hủy hàng trăm công trình công cộng trên địa bàn cùng hoa màu của người dân.
Tính riêng trong năm 2020 từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện 3 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá gây ra. Hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến 6 người bị thương, hư hỏng hơn 4.000 ngôi nhà và thiệt hại 326,5ha cây hoa màu cùng nhiều công trình công cộng khác.
Để chủ động ứng phó với BĐKH, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và đưa các giống cây trồng mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt thích ứng với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhằm đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo.
Chủ động ứng phó
Bằng những kinh nghiệm thực tế trong sản xuất trồng trọt người dân đã chủ động dự báo thời tiết, ứng phó với BĐKH nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Phạm Đình Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái cho biết: Hiện nay BĐKH đã tác động mạnh mẽ tới ngành nông nghiệp, hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, trồng trọt. Bằng kinh nghiệm thực tế như: Lá cây bồ đề lật ngược lên, mặt lá dưới màu trắng thì trời sắp mưa to; rêu nổi thành mảng trên suối là sắp có lũ to; vịt kêu to 2 - 3 ngày là sắp có mưa bão lớn; kiến di chuyển lên cao là sắp có mưa to… từ đó có thể chủ động phòng chống để hạn chế thiệt hại do thiên tai...
Huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái đưa các giống cây ăn quả phù hợp với khí hậu, đất đai đã mang lại hiệu quả kinh tế |
Hay như, người dân đã áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt như: Chống xói mòn, duy trì bảo vệ độ ẩm, độ phì của đất bằng cách trồng cây che phủ, làm ruộng bậc thang, thay đổi lớp phủ thực vật; chủ động cấp nước cho cây trồng, thực hiện tưới nước tiết kiệm, hiệu quả như đào ao chứa nước, tưới phun, tưới nhỏ giọt, tiết kiệm năng lượng bơm tưới, mở rộng diện tích tưới tự chảy, tưới tiết kiệm, tưới công nghệ cao…Đặc biệt, việc lựa chọn giống cây trồng chịu hạn, chịu rét và chịu sâu bệnh cho năng suất cao là yếu tố rất quan trọng.
Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với BĐKH như: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ cho xuất khẩu...
Tại Yên Bái, Trạm Tấu và Mù Cang Chải là hai huyện vùng cao thời tiết rất khắc nghiệt, mùa hè thường xuyên bị ảnh hưởng của gió Lào khô nóng, mùa đông chìm trong băng giá và sướng muối. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất trồng trọt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, các giống cây trồng cần phải lựa chọn các giống chịu hạn, chịu rét thích ứng với khí hậu khắc nghiệt.
Gần đây, tỉnh Yên Bái đã trồng thử nghiệm giống lê Tai Nung từ Hà Giang về Mù Cang Chải trồng ở hai xã: Púng Luông và Dế Xu Phình có độ cao từ 1.000m trở lên, với diện tích 1,5 ha. Sau khi trồng được 3 năm cây cho quả bói, đến năm thứ tư cây ra quả rất sai, tính ra đến nay đã 6 năm không năm nào mất mùa, giá bán từ 35.000- 40.000 đồng/kg. Điều đặc biệt, năm nào trời rét đậm và có mưa tuyết thì năm đó lê càng sai quả.
Cũng là giống cây ăn quả, trong năm 2019 huyện Mù Cang Chải triển khai dự án khoa học trồng cây đào Pháp tại hai xã Púng Luông và Lao Chải. Đây là 2 xã đại diện cho 2 tiểu vùng khí hậu khác nhau của huyện Mù Cang Chải. Giống đào Pháp được di thực từ huyện Sa Pa và Bắc Hà tỉnh Lào Cai có độ cao tương ứng với các xã trên. Hiện cây phát triển tốt, có khả năng thích ứng cao.
Có thể thấy, việc lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai là yếu tố quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc thích ứng với BĐKH. Từ đó, đã tạo sự đa dạng trong giống cây trồng, mở rộng diện tích và tạo vùng sản xuất hàng hóa giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế của địa phương thích ứng với BĐKH.