Biến đổi khí hậu

Nông nghiệp Sơn La thích ứng BĐKH:Nhân rộng các mô hình canh tác thông minh

Nguyễn Nga 19/07/2024 - 16:37

(TN&MT) - Các mô hình canh tác thông minh đang từng bước đưa nông nghiệp Sơn La thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra nhiều đợt nắng nóng găy gắt, có nơi nhiệt độ tăng cao nhất trong vài chục năm trở lại đây đã làm suy giảm nước đầu nguồn, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh, linh hoạt để thích ứng BĐKH đang là một trong những giải pháp được Sơn La chú trọng thực hiện.

Thay đổi tư duy, phương thức sản xuất

Tháng 2/2024, mô hình Ruộng nhà mình được triển khai tại bản Chiềng Thượng và bản Búc, xã Quang Huy, huyện Phù Yên với số lượng 50 chủ sở hữu và đồng sở hữu, tổng diện tích thực hiện trên 8,2ha. Tham gia mô hình, mỗi hộ gia đình có 1 biển cắm trên ruộng nhà mình, ghi rõ nội dung chủ sở hữu cùng mã QR cod cho từng hộ. Thông qua mã QR, người tiêu dùng có thể kiểm tra việc sản xuất của từng hộ như nơi sản xuất, tên chủ hộ, ngày xuống giống, ngày cấy, các loại phân bón đã sử dụng, tình hình sâu bệnh…

mo-hinh-ruong-nha-minh-huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-than-thien-voi-moi-truong..jpg
Mô hình Ruộng nhà mình hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Bà Đinh Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là mô hình lần đầu tiên tổ chức trên địa bàn huyện vào vụ xuân 2024. Các hộ gia đình tham gia mô hình đều nằm trong vùng quy hoạch sản xuất lúa tập trung, hướng tới thúc đẩy hình thức sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất. Người dân không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón vô cơ, đã giúp khôi phục, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa. Việc trồng lúa theo hướng hữu cơ cũng cho thấy giá trị kinh tế cao hơn phương thức truyền thống.

Là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, năm 2021, Huyện ủy Phù Yên đã ban hành Đề án 03 về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng BĐKH.

Đến nay, đã hỗ trợ 400 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng trên 7.300m2 nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 19ha các loại cây ăn quả; mở rộng thêm 62ha lúa hữu cơ, 5ha rau an toàn... Mục tiêu đến năm 2025, hình thành 2-3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trên 30ha sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; phát triển 3 - 5 nhà màng, mỗi nhà màng khoảng 0,25ha; thâm canh 600ha lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ; trên 300ha cam, bưởi, quýt theo hướng hữu cơ…

Còn tại huyện Thuận Châu, từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) xây dựng 51 mô hình canh tác lúa, cà phê, khoai sọ thích ứng BĐKH tại 4 xã.

Thông qua các mô hình, đã giúp năng suất cây trồng tăng từ 15-25%, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học giảm từ 40-60%, lượng phân bón có nguồn gốc hóa học giảm 20-50%, công lao động giảm 30%, tỷ lệ thiên địch trên đồng ruộng cao trên 30%. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân về BĐKH; thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, chủ động canh tác, thích ứng với hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lũ...

Đồng hành cùng người dân thích ứng BĐKH

Từ đầu năm 2024 tới nay, toàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt, gây nhiều khó khăn cho đời sống, sản xuất của người dân. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Sơn La, từ tháng 1-9/2024, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1-1,5 độ so với trung bình nhiều năm.

Qua số liệu tổng hợp từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, dự báo năm 2024, tổng diện tích cây trồng có khả năng xảy ra hạn hán là hơn 2.100ha trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình ra hoa trên một số cây ăn quả cũng cho thấy, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả rất thấp so với niên vụ 2023. Sản lượng cây ăn quả năm 2024 dự kiến đạt 383.000 tấn, giảm khoảng 67.000 tấn so với cùng kỳ.

son-la-tap-trung-phat-trien-cac-mo-hinh-canh-tac-thong-minh-thich-ung-bdkh..jpg
Sơn La tập trung phát triển các mô hình canh tác thông minh thích ứng BĐKH.

Triển khai các giải pháp phòng chống nguy cơ hạn hán, thích ứng BĐKH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, xây dựng phương án chống hạn theo từng địa bàn. Tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trong sản xuất; chủ động điều chỉnh mùa vụ, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhân rộng một số giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao.

Ông Trần Dũng Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Trong bối cảnh BĐKH diễn biến phức tạp, việc phát triển các hệ thống nông nghiệp trên đất dốc bền vững và ứng phó BĐKH tại Sơn La là bắt buộc. Để từng bước thực hiện, Sơn La đã triển khai thực hiện một số mô hình như: Canh tác dựa trên sự kết hợp các cây trồng họ đậu, cây làm thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả nhằm tăng cường sự bền vững và đa dạng của các hệ thống canh tác; mô hình trồng xen canh, kết hợp với làm các đường băng, cây che bóng (cà phê); trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả; phát triển mô hình nông lâm kết hợp hạn chế xói mòn, rửa trôi...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc, phát triển một số loại cây ăn quả thân gỗ trên đất lâm nghiệp… Chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, đưa vào sản xuất một số giống cây trồng chịu hạn, kháng sâu bệnh. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, thích ứng BĐKH.

Theo số liệu thống kê từ ngành NN&PTNT tỉnh, Sơn La hiện có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt VietGap, GlobalGap; hơn 8.200ha cây trồng theo hướng hữu cơ; hơn 18.400ha cà phê áp dụng 4C, UTZ, RA; hơn 4.000ha cây trồng tưới tiết kiệm nước, trồng trong nhà lưới, nhà kính…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Sơn La thích ứng BĐKH: Nhân rộng các mô hình canh tác thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO