Nhiều mô hình hay
Gia Lai là tỉnh miền núi với gần 50% dân số là người đồng bào DTTS. Người dân trên địa bàn chủ yếu làm nông nghiệp để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dưới tác động của BĐKH những năm gần đây, gây thiếu hụt nguồn nước nên nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, làm giảm năng suất và thu nhập cho nông dân.
Hộ anh Khyinh (dân tộc Bahnar, sinh sống ở làng Biă Tih, xã A Dơk, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) cũng là một trong số những hộ dân đã bị ảnh hưởng thu nhập do vườn cà phê của gia đình anh bị thiếu nước tưới. Anh Khyinh cho biết, sau khi lập gia đình và tách ra ở riêng, anh được bố mẹ cho 3 sào đấtđể trồng cây cà phê.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH nên thời tiết các năm thất thường, năng suất cà phê cũng không đều, năm được năm mất. Kinh tế gia đình vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Hộ Khyinh là hộ nghèo của xã A Dơk nhiều năm nay. Năm 2019, anh Khyinh được Hội Nông dân thôn Biă Tih giới thiệu mô hình trồng rau quả các loại cho thu nhập khá, anh Khyinh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.
Ban đầu, anh Khyinh phá 500 cây cà phê để chuyển sang trồng dưa leo. Một năm trồng được từ 3 - 4 đợt. Mỗi đợt thu về khoảng 10 triệu đồng. Năm nay là năm thứ 3, hiện gia đình anh Khyinh đã chuyển đổi 1000m2 đất sang trồng luân phiên mướp đắng và dưa leo giữa các đợt. Mỗi năm, trừ chi phí anh thu được 70-80 triệu đồng. Anh Khyinh còn nuôi thêm 4 con heo nái và sử dụng rau trong vườn để cho heo ăn, tiết kiệm chi phí mua thức ăn cho heo và có thêm thu nhập từ chăn nuôi.
Anh Khyinh chia sẻ: “Cùng trên một diện tích đất sản suất nông nghiệp nhưng thu nhập đem lại cao gấp 3 lần. Gia đình tôi đã có thêm thu nhập, đời sống sinh hoạt đã bớt khó khăn, trả gần hết tiền vay từ Ngân hàng và mua được xe máy. Dự tính hết năm nay, gia đình tôi sẽ xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã”.
Thấy được hiệu quả của mô hình trồng rau trên địa bàn, cùng với việc giới thiệu mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn từ cán bộ nông nghiệp xã A Dơk, hộ gia đình chị H’Som đã mạnh dạn chuyển đổi 1000m2 lúa rẫy thiếu nước sang trồng dưa leo. Ngoài ra, vườn cà phê không đủ nước tưới cho năng suất thấp cũng được chị Som chuyển sang trồng mướp đắng.
Chị Som phấn khởi cho biết: “Trước kia trồng cà phê, nước tưới không đủ mà thiếu cả nước sinh hoạt. Trồng rau thì lượng nước tưới ít hơn nên không phải đi xin nước nữa. Thu nhập từ trồng rau cao hơn gấp 3 lần. Nếu được giá, nguồn thu còn cao hơn. Rau được thương lái vào tận nhà để mua nên dân làng không cần mang đi bán, rất thuận lợi. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo năm 2021 và vừa vay thêm tiền để xây nhà mới”.
Nâng cao nhận thức
Theo ông A Lưnh - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Biă Tih, thôn Biă Tih hiện có khoảng 30 hộ tham gia mô hình trồng rau, củ, quả trên diện tích đất bị hạn từ năm 2017 đến nay. Dự kiến, năm 2023 trên địa bàn thôn sẽ có nhiều diện tích cà phê đến kỳ tái canh, Hội Nông dân thôn sẽ hướng dẫn người dân chuyển sang trồng rau, củ, trước khi tái canh để mang lại hiệu quả cây trồng cao hơn.
Thấy được đổi thay từ đời sống của dân làng sau khi tham gia mô hình trồng rau quả các loại, ông Y Sữi - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Biă Tih rất vui mừng: “Trồng rau, củ, quả các loại là hướng đi vừa mang lại kinh tế, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, vừa thích ứng điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước. Mô hình đã giúp nhiều hộ dân trong làng thoát nghèo bền vững”.
Theo ông Lê Tấn Hùng - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Đoa, hiện nay trên địa bàn huyện có 25 ha lúa thiếu nước vụ Đông Xuân được bà con chuyển đổi sang trồng rau các loại như: khoai lang, rau xanh, mướp đắng, dưa leo, bí. Phòng NN&PTNT huyện Đăk Đoa cũng hướng dẫn người dân trồng xen canh cây ăn quả, cây mắc ca để hạn chế lượng nước tưới cho cây.
Cũng theo ông Hùng, chuyển đổi cây trồng ở vùng khô hạn, thiếu nước tưới không những mang lại thu nhập cao gấp 2 -3 lần trên cùng một diện tích gieo trồng, giúp nông dân phát triển kinh tế, mà còn tránh được tình trạng người dân khai thác triệt để nguồn nước để phục vụ tưới cho cây trồng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số diện tích cây trồng bị hạn trên địa bàn huyện chậm đổi mới hình thức sản xuất;diện tích đất kém hiệu quả do người đồng bào DTTS sở hữu, ít quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích này bỏ hoang không sử dụng gây bạc màu và hoang hóa đất; năng lực thích ứng với BĐKH và ứng phó với thiên tai của nông dân chưa được cải thiện nhiều.
“Vì vậy, ngoài hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng vùng hạn, Phòng NN&PTNT huyện Đăk Đoa còn thường xuyên tuyên truyền đến người dân không nên lạm dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những khu vực được không được ngành chức năng khuyến cáo và tăng cường nâng cao nhận thức về BĐKH cho nông dân để họ chủ độngphòng tránh, thích ứng hiệu quả”, ông Hùng cho hay.
Được biết, dự kiến giai đoạn 2021-2030, tỉnh Gia Lai sẽ phấn đấu thực hiện chuyển đổi khoảng 83.500 ha cây trồng kém hiệu quả, bao gồm: 8.000 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và khoảng 75.500 ha đất trồng mía, sắn, điều, hồ tiêu, cao su kém hiệu quả sang phát triển ra, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với BĐKH.