Xã hội

Nông dân Điện Biên bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Hoàng Châu 28/03/2024 - 18:31

(TN&MT) - Thời gian qua, hội nông dân các cấp tỉnh Điện Biên đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động hội viên nông dân phát triển chăn nuôi gia súc. Cùng với đó việc là nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh môi trường bằng giải pháp chăn nuôi tập trung, chuồng trại cách xa nhà ở, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên các hộ dân chăn nuôi đại gia súc chủ yếu theo hình thức thả rông và bán chăn thả, nên chỉ có khoảng 18,7% lượng chất thải được xử lý tại các nông hộ, trang trại nuôi nhốt. Còn 81,3% lượng chất thải từ nuôi thả rông và bán chăn thả được xả thải trực tiếp ra môi trường, tại các bãi chăn thả, trên nương rẫy, đồi, rừng... gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, mặc dù tập quán nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm sàn đã được khắc phục. Tuy nhiên, chuồng trại để nuôi nhốt gia súc, gia cầm vẫn còn là vấn đề gây ô nhiễm môi trường sống do chất thải, nước thải chưa được thu gom, xử lí khoa học, dẫn đến mùi hôi thối từ các chuồng trại, hố chứa tạm bợ, chưa có kỹ thuật xử lí mùi hôi. Điều này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt là đối với những hộ trực tiếp chăn nuôi gia súc.

z5293187267760_da732ae14a194c1a78a47b8a11f7b65e.jpg
Tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, đã được khắc phục nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường sống do chất thải, nước thải chưa được thu gom, xử lí khoa học, dẫn đến mùi hôi thối.

Để bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh cảnh quan xung quanh, hội nông dân các cấp tỉnh Điện Biên đã đề ra một số giải pháp có hiệu quả, hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng vào thực tế. Trong đó, chăn nuôi an toàn sinh học là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp người dân xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương.

Ông Lường Văn Tâm, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Gia đình ông trước đây chăn nuôi trâu, bò thả rông và nhốt dưới gầm sàn nhà ở. Sau khi được cán bộ vận động tuyên truyền, hiện nay gia đình ông đã chuyển chuồng trại chăn nuôi trâu bò ra xa khu nhà ở, cũng như thường xuyên vệ sinh chuồng trại, ủ phân gia súc để làm phân bón cho trồng trọt.

Các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát đầu vào như: chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, quản lý vật nuôi, vệ sinh thú y, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chuyển từ thả rông gia súc sang nuôi nhốt để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh ra ngoài môi trường.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện giải pháp mô hình ủ phân gia súc bằng chế phẩm vi sinh tạo nguồn phân hữu cơ vi sinh là giải pháp rất hữu ích đối với chăn nuôi nông hộ. Giải pháp này giúp người chăn nuôi đạt được “lợi ích kép” vừa chủ động nguồn phân bón cho trồng trọt, vừa giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường.

dung-tam-lot-sin-hoc(2).jpg
Người dân được tập huấn sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, giữ vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, một trong những giải pháp được hội nông dân các cấp tỉnh Điện Biên thực hiện, triển khai là xây hầm biogas quy mô hộ gia đình. Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn và hướng dẫn sử dụng khí sinh học biogas cho người dân, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng mô hình biogas.

Mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học cũng được các cấp hội nông dân tỉnh Điện Biên tuyên truyền hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng.Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp giảm công dọn chuồng, giảm đáng kể mùi hôi, cải thiện được môi trường cho hộ chăn nuôi và cộng đồng bằng nhiều hình thức tuyên truyền và các hoạt động phong phú, phù hợp.

Hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Các hoạt động này giúp hội viên, nông dân chuyển biến về nhận thức và hành động tự giác bảo vệ môi trường, sống thân thiện với môi trường, tích cực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên sẽ quy hoạch vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà; phát triển đàn lợn tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng… Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các mô hình chăn nuôi hữu cơ; phát triển kinh tế nông hộ theo hướng hợp tác, liên kết giữa các hộ dân, cơ sở sản xuất để tạo sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường. - ông Thượng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Điện Biên bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO