Dọc làng biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã không còn bến để những chiếc thuyền nhỏ đánh cá của ngư dân neo đậu. Phía trong là làng Nam Ô. Phía ngoài là khu du lịch. Hàng rào vô hình trung sẽ đang và đóng lại ký ức của những người già một thời sống bám biển. Người còn theo nghề, vẫn có những chiếc thuyền, tay lưới, sinh kế dựa vào biển cũng chẳng còn mấy thời gian.
Hàng trăm hộ dân nơi đây mưu sinh bằng nghề biển, bây giờ, lối ra biển bị hạn chế gây nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân. Bà Huỳnh Thị Hoa, người dân Tổ 50, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu lo lắng, hầu hết bà con ở đây sống nhờ biển, đến mùa rong biển, mỗi ngày một người cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đường ra biển trước đây rộng thênh thang, nay đã dần khuất tầm nhìn rồi.
Những ngày cuối tháng 5 rực lửa, tôi có dịp quay lại nơi đây, gặp lại những ngư phủ lưng trần chái nắng: “Người dân ở đây sống bằng nghề biển. Với họ, chưa bao giờ có ý từ bỏ biển để đi đến một vùng đất mới mà ở đó họ không biết làm gì, bởi cái mặn mòi của biển cả đã thấm vào xương, vào thịt họ rồi. Mấy chục triệu đồng mua ngư cụ, chúng tôi có thể kiếm ăn được trong 5 năm. Nuôi được người con, đứa cháu”.
Lược lại tay lưới của một buổi sáng đi biển, ngư dân Nguyễn An, 60 tuổi cho biết: “Hết nghề rồi. Họ mua thuyền 25 triệu đồng, mua máy 5 triệu đồng, lưới không mua”. Ông An sẽ đi đâu và làm gì?. Một cái lắc đầu ngao ngán giống như câu chuyện bị cách ly khỏi môi trường quen thuộc chuyển sang môi trường khác mà tuổi tác của ông không đủ thời gian để tập việc kiếm nghề mới. “30 triệu đồng, ăn được hai ba tháng là hết. Không có việc làm sinh ra rượu chè bê tha”, ông An lo lắng.
Làng biển Nam Ô có khoảng 40% dân số theo nghề biển, khai thác hải sản trong vịnh Đà Nẵng. Mùa lưới te, ngày trúng cũng được từ 1 - 2 triệu đồng. Ngày hẻo, cũng được từ ba đến 400 nghìn đồng, đi từ ba giờ sáng đến chín giờ sáng, về bến. Mùa hè, đi lặn ốc tai, mỗi cân bán được 40 nghìn đồng. Mỗi thuyền, hai người mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 40 - 50 cân.
Cuối năm, cả làng đi lấy mứt biển. Người Nam Ô xoay vòng với biển theo mùa, theo năm. Mặn cũng từ biển, ngọt cũng từ biển. Tất cả đều nhờ con thuyền ra khơi, hoặc len lỏi đến những ghềnh đá. Quy hoạch du lịch, không còn chỗ đậu thuyền, không còn đường lên lối xuống, hẳn sẽ khó khăn rất nhiều cho độ tuổi lao động từ 40 trở lên.
Ông Mai Nênh, 62 tuổi, ngư dân Nam Ô cho hay: “Lứa tuổi 40 trở lên không có nghề làm. Đi biển ni là nghề dạy nghề. Giờ thoát biển, không biết mần chi để có ăn?”. Làm gì để có ăn đang là câu hỏi lớn cho nhiều ngư dân ở đây. Hiện, làng Nam Ô có 150 chiếc thuyền, 300 người theo nghề đánh cá. Đây là con số thống kê của các cụ trong làng. Đi cùng với nghề đánh cá là việc chế biến thủy, hải sản, nghề làm nước mắm nức danh. Anh Thiết, 40 tuổi, ngư dân đánh cá lo âu rằng: “Tuổi của tôi liệu rồi có ai tuyển làm bảo vệ không?. Hai đứa con còn nhỏ, một đứa học lớp 5, đứa học lớp 2 khi hai vợ chồng đều chỉ biết lưới thuyền”.
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được xem là "điểm nóng" phát triển du lịch. Thành phố biển này trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư và bước đầu đã mang lại nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" đó cũng làm mất đi nhiều giá trị quý báu của văn hoá địa phương mà sự việc diễn ra gần đây tại làng chài Nam Ô là một ví dụ.
Nam Ô là làng chài ven biển, nơi gắn liền với dấu tích, điển tích lịch sử về quá trình mở cõi của cha ông. Đây cũng là làng chài cổ duy nhất còn sót lại và vẫn giữ được nhiều nét văn hoá biển đặc trưng ở Đà Nẵng. Nếu giữ được làng chài Nam Ô truyền thống nguyên vẹn như vốn có sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đời ngư phủ phải đối mặt với nhiều bất trắc, hiểm nguy... song với ngư dân làng chài Nam Ô, biển cả là mái nhà, là cuộc đời như chính họ từng vẫy vùng giữa sóng nước mênh mông. Ngoài kia biển Nam Ô vẫn xanh, sóng Nam Ô vẫn vỗ như vẫy gọi những người con của biển Nam Ô xin chứ bỏ lại.
Với tôi, kỳ vọng vào chút biển mặn mòi vẫn chưa bao giờ dứt…