Nỗi lo mất an toàn hồ đập phế thải

13/08/2015 00:00

(TN&MT) - Hệ lụy từ trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh đã gây ra sự cố vỡ đập tràn xỉ thải cùng đất cát theo nước đổ tràn vào khu dân cư tổ 1 và tổ 2 khu 4, phường Mông Dương (Cẩm Phả) cho thấy, vấn đề an toàn hồ đập phế thải sau khai thác chưa được quan tâm đúng mức. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông TS. Đào Trọng Tứ, Chuyên gia Tài nguyên nước, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu.

PV:Xin ông cho biết tác động của bãi xỉ thải than sau trận mưa lũ đến chất lượng nước mặt cũng như đời sống của người dân Mông Dương ra sao?

TS. Đào Trọng Tứ: Trận mưa lũ kéo dài từ ngày 25/7 đến ngày 4/8 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm chết nhiều người và thiệt hại về tài sản là hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó ngành than thiệt hại 1.200 tỷ đồng. Bãi thải Đông Cao Sơn (phường Mông Dương) bị tràn bùn thải xuống khu dân cư, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân. Nhiều hộ mất nhà cửa, bị cô lập cùng với đó là nguy cơ sạt lở đất, ô nhiễm không khí, phát sinh dịch bệnh do sử dụng nguồn nước mặt không hợp vệ sinh…

Trong than hàm lượng lưu huỳnh rất lớn, khi bóc khỏi lớp đất đá sẽ bị phong hóa, hòa tan vào nước sẽ tạo thành axit, còn gọi là nước thải mỏ. Khi nước thải mỏ có chất axit như vậy, những kim loại nặng tồn tại trong đất Asen, kẽm, mangan cũng có hàm lượng lớn theo nước sẽ đi vào trong đất… Nếu không có nhà máy nhiệt điện đáp ứng được yêu cầu về mặt môi trường, lượng bùn than khổng lồ theo nước lũ chảy ra vịnh Hạ Long, trước hết sẽ làm bồi lấp khá nhiều diện tích ven bờ, làm thay đổi cảnh quan và nhiễu loạn hệ sinh thái nước mặt như san hô, thảm cỏ biển.

Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn là chất thải mỏ, trong đo, có phiến than bao giờ cũng đi đôi với kim loại nặng như coban, kẽm, asen. Nước thải mỏ có độ axit cao, trong môi trường có nhiều kim loại nặng thì sẽ hòa tan kim loại và chảy ra biển, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đi vào thủy sản. Những tác động ảnh hưởng đến môi trường sẽ kéo theo những tác động gián tiếp về xã hội, sinh kế cộng đồng, du lịch, bảo tồn cả về Di sản Vịnh Hạ Long và bảo tồn đa dạng sinh học.

 Nỗi lo mất an toàn hồ đập
Nỗi lo mất an toàn hồ đập

PV: Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng này mỗi khi mưa lũ xảy ra, thưa ông?

TS. Đào Trọng Tứ: Khi ngành than tạo ra những quả đồi chứa bãi thải cần phải tính toán cho các bãi thải này phải đắp kè để đảm bảo an toàn. Do gia cố cơ học ban đầu không tốt, đã gây ra sạt lở, sập bãi thải không chỉ ở Quảng Ninh mà tình trạng này xảy ra ở khá nhiều nơi như Thái Nguyên, Yên Bái… Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm khi khai thác khoáng sản. Trên thực tế, khi khai thác phải làm cuốn chiếu, sau khi khai thác mỏ A xong, đất thải từ mỏ B sẽ được đổ sang mỏ B (hố đã khai thác). Nhưng hiện nay nhiều nơi không có, người ta phải làm bãi thải ngoài. Từ Cẩm Phả ra Móng Cái có thể thấy những bãi thải cao như quả đồi, quả núi. Việc sạt lở, trôi bùn đất nhiều ở Quảng Ninh chính vì chưa quản lý tốt quy chuẩn bãi thải chứ không phải do địa hình. Hơn nữa, mặc dù thể chế Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, các Nghị định, Thông tư khá đầy đủ, nhưng quản lý về môi trường hiệu quả rất thấp. Chúng ta thiếu quy hoạch dài hạn, tầm nhìn và thiếu đánh giá đúng mức rủi ro và ô nhiễm môi trường, không thường xuyên, coi trọng những cảnh báo từ các nhà khoa học. Ý thức, năng lực của chủ đầu tư khai thác khoáng sản, lãnh đạo địa phương còn hạn chế cần phải nâng cao. Chủ yếu phòng chống, khắc phục trước mắt, ứng phó chủ động lâu dài chưa thực thi. Cần có giải pháp công trình và phi công trình, chỉ rõ trách nhiệm cho các bên liên quan. Quản lý môi trường của ngành than theo tôi thấy là họ nói mà không làm hoặc là làm nửa vời.

PV: Từ góc độ là chuyên gia nước, xin ông cho biết định hướng quản lý và quy chuẩn của Việt Nam về vấn đề an toàn hồ đập để đảm bảo môi trường và đời sống cho nhân dân?

TS. Đào Trọng Tứ: Trước hết, về tiêu chuẩn khai thác than so với 5 năm trước ngày càng chặt hơn, vì vậy, Tập đoàn than TKV trong những năm vừa rồi đã nỗ lực tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng cải tạo môi trường rất nhiều hệ thống xử lý nước thải, bụi than, cải tạo đường 18… Trên thực tế bằng nhiều biện pháp khác nhau TKV đã cố gắng đảm bảo quy chuẩn của ngành than và TKV cũng là nạn nhân trong sự cố này.

Về quy chuẩn hồ đập tại Việt Nam theo Nghị định số: 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập ngày 7/5/2007 nêu rõ, nguyên tắc quản lý hồ đập an toàn và trách nhiệm của chủ đầu tư. Đối với quy hoạch của một nhà máy, hạng mục hồ đập xỉ thải rất quan trọng được đánh giá là tác động nhất đối với môi trường, tránh hiện tượng để người dân tự ý đắp đập để nuôi cá ở Tuần Giáo (Điện Biên). Chúng ta cần chủ động phối hợp các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể. Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ về năng lực của các tổ chức tư vấn, cơ quan quản lý dự án và nhà thầu thi công các công trình hồ chứa; cập nhật, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; tăng cường nâng cao chất lượng dự báo mưa, lũ…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Thủy (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo mất an toàn hồ đập phế thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO