Nỗ lực đưa con chữ đến với học sinh vùng cao

Huỳnh Lệ - Anh Dũng| 20/11/2019 14:30

(TN&MT) - Khi tất cả các giáo viên ở miền xuôi đang bận rộn với những bài giảng đầu năm học mới, thì ở vùng cao xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, ngoài việc dạy học, giáo viên còn phải vào tận các bản làng xa xôi, cách biệt để vận động học sinh ra lớp.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua thường xuyên vào làng vận động học sinh đến trường phải qua chiếc cầu treo nguy hiểm

Vào rừng “bắt” từng học sinh ra lớp

Vào dịp đầu năm học, chúng tôi được đi cùng giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua, huyện Sơn Tây vào tận các bản làng nằm sâu trong rừng để vận động học sinh ra lớp.

Khu dân cư Nước Mù chỉ cách trung tâm xã Sơn Bua khoảng 4km, nhưng để đến khu dân cư Nước Mù, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, chỉ có cách duy nhất là phải đi bộ qua chiếc cầu treo nguy hiểm đã xuống cấp nghiêm trọng và vượt qua con đường mòn lên núi.

Chiếc cầu treo trên đường đến khu dân cư Nước Mù có chiều dài hơn 100 mét. Cầu được xây dựng bằng trụ bê tông cốt thép, dây treo vào năm 2007. Trải qua nhiều năm, cầu đã 2 lần bị lũ cuốn trôi, được chính quyền các cấp sửa chữa, gia cố. Hiện tại, 2 trụ đã hư hỏng nặng, lộ ra các thanh thép hoen rỉ bên trong.

Thân cầu sử dụng thép phi 6 để làm dây cáp và lan can, sàn cầu được lót bằng cây nứa đã mục nát nhiều điểm tạo ra các lỗ hổng lớn vô cùng nguy hiểm. Bên dưới cầu là dòng suối với hàng chục tảng đá lớn lởm chởm. Mỗi khi có người đi qua, thân cầu rung lắc mạnh tạo cảm giác sợ hãi.

Ông Cao Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, cho biết: “Cầu là phương tiện qua lại của người dân khu dân cư Nước Mù và Nước Mao, xã Sơn Bua. Cầu xuống cấp nặng, việc qua lại rất khó khăn, nguy hiểm, nhưng chính quyền chưa thể sửa chữa do nguồn kinh phí lớn. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân thì vào những ngày mưa bão chính quyền phải cấm không cho người dân đi qua”.

Sau gần một giờ đi bộ khi băng qua con đường mòn lên núi đầy vất vả và chiếc cầu treo xuống cấp nguy hiểm, chúng tôi đã nhìn thấy những nóc nhà đầu tiên của bà con khu dân cư Nước Mù.

Vừa nhìn thấy giáo viên, thì các em nhỏ nơi đây liền chạy trốn vì sợ giáo viên đến “bắt” chúng đến lớp. Trong khi đó, những người lớn lại đang say sưa với men rượu. Hầu hết người lớn trong khu dân cư Nước Mù đều không biết chữ, vì thế họ cũng ít quan tâm đến việc học của con.

Học sinh thôn Nước Mù thường xuyên bỏ học

Không chỉ vậy, người dân ở đây còn rất đông con, như gia đình ông Đinh Văn Núi có đến 10 đứa con. Trong đó, có 7 đứa đang là học sinh của trường Mầm non, Tiểu học và cả Trung học cơ sở. Tuy nhiên, hôm nay, chỉ có 01 đứa đi học, còn 6 đứa trốn học ở nhà.

Để “dụ” học sinh trở lại lớp, thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua đã đến từng nhà dân, nói chuyện với cha mẹ các em để họ sớm đưa học sinh trở lại trường.

Đặc điểm của đám trẻ này là khi một đứa nghỉ học thì những đứa khác cũng nghỉ theo để về nhà chơi. “Ngày mai các em ra lớp ở lại với thầy nhé, ra sớm thầy cho nhiều quần áo đẹp, ăn cơm ngon. Ra lớp có nhiều bạn chơi cùng vui lắm”, thầy Ánh nhẹ nhàng nói với các em nhỏ.

Rời nhà ông Núi, các giáo viên lại đến gia đình khác nói chuyện với các bậc phụ huynh để họ sớm đưa con em đến lớp. Tại đây, giáo viên phát hiện em Đinh Thị Thận (năm nay lên lớp 5), chưa đến lớp ngày nào kể từ khi năm học mới bắt đầu.

Thận được cha mẹ đưa từ địa phương khác về khu dân cư Nước Mù để ở với ông bà. Nhưng do cha mẹ em không biết chữ, lại không biết phải đưa con lên lớp nào nên dù năm học mới đã qua, nhưng Thận vẫn chưa được đến lớp. Thầy Ánh đã hướng dẫn tận tình cho phụ huynh của em Đinh Thị Thận để họ hoàn thành thủ tục nhập học cho em. Đồng thời, thầy Ánh cũng “đặc cách” cho Thận để em đến lớp trước khi em có đầy đủ hồ sơ.

Giờ ăn thì có, giờ học thì không

Rời khu dân cư Nước Mù, chúng tôi trở lại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua đúng vào giờ ăn cơm chiều của học sinh bán trú. Điều làm chúng tôi bất ngờ là một số em nhỏ chúng tôi vừa gặp tại khu dân cư Nước Mù đã có mặt tại bàn ăn.

Thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH & THCS Sơn Bua vận động gia đình ông Đinh Văn Núi, phụ huynh em Đinh Thị Thận cho con đến trường

“Việc các em không lên lớp nhưng giờ ăn lại có mặt là chuyện đã quá quen thuộc đối với giáo viên chúng tôi. Các em có thể trốn về nhà, trốn đi chơi nhưng lúc đói lại vào trường ăn cơm. Nhiều em đi chơi quên cả giờ ăn, lúc đói chạy vào bếp xin cơm nguội để ăn. Do đó, dù các em đi học hay không thì chúng tôi vẫn phải chuẩn bị cơm đầy đủ để các em không bị đói”, thầy Nguyễn Tấn Đức, giáo viên nhà trường cho hay.

Toàn trường có 422 học sinh, trong đó bậc tiểu học có 12 lớp, trung học cơ sở có 4 lớp. Có 170 học sinh bán trú chia làm 7 phòng, nhưng có 200 học sinh ăn cơm trưa tại trường. Trường có 22 giáo viên, không có người chuyên phụ trách bán trú mà Ban giám hiệu phải cắt cử giáo viên thay nhau phụ trách các phòng của học sinh bán trú vào ban đêm. Mỗi đêm, sẽ có 4 giáo viên trực bán trú, nhưng do học sinh bậc tiểu học còn quá nhỏ nên giáo viên rất vất vả.

Thầy Ánh kể: “Những học sinh lớp 1, lớp 2 khi được phụ huynh đưa đến trường còn đu bám cha mẹ, khóc lóc quằn quại đòi về thì để các em ở lại cả tuần tại trường là điều rất khó. Chúng tôi không chỉ phải dỗ dành từng em mà còn phải “canh” các em từng phút. Ngoài việc giảng dạy thì giáo viên còn phải giúp các em vệ sinh cá nhân, tắm rửa hàng ngày. Còn nhớ, có lần em học sinh kia đi chơi “quên” về khiến giáo viên phải đi tìm cả đêm, băng rừng lội suối về nhà em trên núi cũng không thấy; cuối cùng chúng tôi tìm thấy em đang ngủ cùng một người say rượu trong một ngôi nhà hoang”.

Để đưa được con chữ đến với học sinh vùng cao đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên không chỉ về chuyên môn mà còn phải dùng tình cảm thật sự để chăm sóc cho trò, coi trò như con. Con đường các em đến trường vất vả bao nhiêu thì con đường để giáo viên vùng cao truyền dạy con chữ cho các em cũng khó khăn bấy nhiêu.

“Học sinh ở đây không phải là bỏ học, mà là đi học kiểu “giã gạo”, nên lực học của các em cũng không được như mong muốn. Không nắm được kiến thức lại càng làm cho các em chán nản, dẫn đến lười lên lớp. Do đó, chúng tôi còn phải dạy phụ đạo cho các em hàng đêm”, thầy Đức cho hay.

Rời trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua lúc trời vừa tối. Nhưng tôi lại nhìn thấy ánh sáng tương lai cho học trò vùng cao nhờ sự nhiệt huyết, nỗ lực đưa con chữ đến với các em của giáo viên nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đưa con chữ đến với học sinh vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO