Nỗ lực cho những cánh rừng mãi xanh

Bài và ảnh: Phạm Hoài| 07/05/2020 10:05

(TN&MT) - Hoạt động bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững đang được tỉnh Kon Tum chú trọng quan tâm.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

Rừng ở Kon Tum phân bố ở hầu hết các huyện/thành phố, song không đồng đều; tập trung nhiều diện tích rừng với độ che phủ của rừng cao chủ yếu ở các huyện Kon Plông, Đắk Glei, Sa Thầy, Tu Mơ Rông. Rừng Kon Tum mang tính đa dạng sinh học cao với khoảng 1.610 loài thực vật thuộc 734 chi của 175 họ thực vật, trong đó, có nhiều loài thực vật quý như: Sâm Ngọc linh, Pơ mu, Trầm hương, Vàng đắng, Trắc, Cẩm lai, Gõ đỏ...

Tiềm năng, lợi thế của rừng đã và đang được tỉnh Kon Tum khai thác phát triển du lịch sinh thái, trong đó, tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển Khu Du lịch Sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) với các điểm du lịch hồ Đắk Ke, thác Pa Sỹ, tượng Đức Mẹ, chùa Khánh Lâm, thôn Tu Rằng, các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Con đường xanh Tây Nguyên.

Sâm Ngọc Linh được xem như cây “quốc bảo” và đang được bảo tồn và phát triển ở tỉnh Kon Tum

UBND tỉnh Kom Tum cho biết, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch ở địa bàn có hơn 80% là rừng và đất rừng như Kon Tum. Cùng với phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, lĩnh vực du lịch nông nghiệp cũng được tỉnh định hướng trên cơ sở khai thác lợi thế đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Bảo tồn đa dạng sinh học

Nằm về phía Tây tỉnh Kon Tum, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được ghi nhận là nơi có tính đa dạng sinh học cao trong hệ thống các Vườn Quốc gia (VQG) trong cả nước. Cùng với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh và rừng đặc dụng Đắk Ui, VQG Chư Mom Ray - Vườn Di sản ASEAN góp phần làm nên sự đa đạng, phong phú và đặc sắc hệ sinh thái rừng của mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng ở cực Bắc Tây Nguyên.

Theo kết quả khảo sát, VQG Chư Mom Ray có 1.278 loài. Trong số 49 loài thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ ở VQG Chư Mom Ray, phải kể đến 2 loài, là ươi (Scaphium sp) và dó bầu quả nhăn (aquilaria rugosa) là những loài đặc hữu địa phương chưa có trong Sách đỏ. Về hệ động vật, đã thống kê được 115 loài và loài phụ thú thuộc 30 họ, 11 bộ. Có 44 bộ đa dạng về loài, là bộ dơi, bộ ăn thịt, bộ guốc, bộ linh trưởng. Đặc biệt, ở bộ guốc chẵn, chỉ thiếu loài hươu xạ là hội tụ toàn bộ các loài thú thuộc bộ này của Việt Nam ở VQG Chư Mom Ray.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh có tổng diện tích hơn 37.485ha rừng. Đặc tính đa dạng sinh học ở đây được khẳng định với 91 loài ở khu hệ thú, trong đó, có 25 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 20 loài trong Sách đỏ Thế giới và 24 loài thuộc quy định của Nghị định 32. Trong tổng số 234 loài ở khu hệ chim, có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 8 loài trong Sách đỏ Thế giới...

Cây “quốc bảo” mũi nhọn phát triển kinh tế

Tỉnh Kon Tum đã triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, nâng tầm kinh tế địa phương và góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để phát triển Sâm Ngọc linh trên cơ sở bảo tồn nguồn gen, nhằm xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu và mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng Sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 về Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Giai đoạn 2011 - 2015, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh đã giao khoán quản lý bảo vệ 11.530ha rừng cho 531 hộ và 4 cộng đồng ở các xã vùng đệm. Giai đoạn 2016 - 2020, giao khoán cho 49 cộng đồng ở các xã vùng đệm quản lý bảo vệ hơn 14.986ha rừng. Năm 2016 - 2017, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước điều tra, nghiên cứu về động, thực vật.

Theo đó, vùng quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh có diện tích 31.742 ha, thuộc 3 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) và 55 xã của huyện Tu Mơ Rông: Đắk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi… Đến năm 2020, diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt 1.000 ha với sản lượng ước tính 190 tấn, đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cho những cánh rừng mãi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO