Ninh Thuận: Tổ chức các hoạt động Dự án: “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm”

Thanh Bình| 04/07/2020 18:37

(TN&MT) Ngày 02 và 03/7, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Tổng cục Phòng chống Thiên tai – Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức một số hoạt động trong khuôn khổ của Dự án: “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm”.

Sáng ngày 02/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn lồng ghép nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm, giai đoạn 2021-2025.

Quang cảnh Hội thảo tham vấn lồng ghép nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt một số kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2016-2020; dự kiến định hướng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh và định hướng lồng ghép một số chỉ tiêu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm vào Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Thái - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của việc lồng ghép này nhằm đảm bảo cho các mục tiêu kinh tế xã hội phát triển bền vững, giảm các tổn thương do rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra, góp phần thay đổi nhận thức và hành động trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp hướng đến mục tiêu hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội với sự an toàn của cộng đồng trước thiên tai.

Hội thảo tổ chức thảo luận nhóm và đưa ra nhiều ý kiến thiết thực như: Cần lồng ghép thêm một số chỉ tiêu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2015 của tỉnh như: Tỷ lệ trẻ em bỏ học; tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bạo hành; tỷ lệ trẻ em được học bơi; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi phải lao động kiếm sống; tỷ lệ trường THCS diễn tập phòng, chống rủi ro thiên tai…

Các đại biểu được nghe bà Mizuho Okimoto - Kaewathip, Trưởng Chương trình Chính sách xã hội, UNICEF tại Việt Nam chia sẻ, bằng chứng toàn cầu mà chúng tôi có được cho thấy đầu tư cho trẻ em là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực và hướng tới mục tiêu cuối cùng tăng trưởng bền vững. Chúng ta biết rằng mỗi đô la đầu tư trong 1.000 ngày đầu tiên của trẻ sẽ mang lại lợi tức đầu tư hàng năm là 13 đô la.

Trong tương lai, khi chúng ta nhìn lại và lúc đó mới thấy được tác động của những quyết định mang tính thỏa hiệp của ngày hôm nay đối với nền kinh tế tương lai - trái lại, chúng tôi mong muốn thấy Ninh Thuận sẽ đề ra những tiêu chuẩn cao hơn để ngăn ngừa những hậu quả như vậy và sẽ là địa phương tiên phong cho các tỉnh khác noi theo.

Ninh Thuận đã đi trước khi đã xây dựng được hệ thống quản lý có tính đến rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng, và mô hình này có thể được áp dụng để ứng phó với các cú sốc kinh tế, thiên tai và đại dịch trong tương lai và nên được nhân rộng bằng cách ưu tiên, phân bổ ngân sách.

Buổi chiều ngày 02/7, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo tham vấn về Mô hình cộng đồng sạch đẹp và an toàn trước thiên tai lấy trường học làm trung tâm.

Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn về Mô hình cộng đồng sạch đẹp và an toàn trước thiên tai lấy trường học làm trung tâm

Sau bài phát biểu khai mạc Hội thảo của ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Thuận.

Đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai, bà Nguyễn Thị Thúy Ái – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng cho biết về mục tiêu của Hội nghị tham vấn, nhằm đánh giá một số mô hình cộng đồng an toàn trước thiên tai đã được triển khai, khung trường học an toàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Việt Nam, hỗ trợ nghiên cứu Mô hình cộng đồng sạch đẹp và an toàn trước thiên tai lấy trường học làm trung tâm tại địa phương.

Các đại biểu được nghe phần trình bày nội dung Dự thảo Mô hình cộng đồng sạch đẹp và an toàn trước thiên tai lấy trường học làm trung tâm.

Hội thảo tổ chức thảo luận nhóm về các nội dung chi tiết của Mô hình: Quản trị; Đánh giá rủi ro; Kiến thức, giáo dục; Bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên; Phòng ngừa, giảm nhẹ và phòng chống thiên tai; Phục hồi và xây dựng lại; Thực hiện các quyền trẻ em; Cơ chế về ngân sách và huy động nguồn lực.

Theo UBND tỉnh, cũng trong buổi chiều ngày 02/7, ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của UNICEF Việt Nam để trao đổi về định hướng lồng ghép các nội dung về giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm vào Kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Unicef Việt Nam

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Bình cảm ơn UNICEF Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án trong thời gian qua. Đồng chí cũng thông tin cho Đoàn công tác về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và chủ trương, định hướng trong thời gian tới.

Ngày 03/7, đoàn công tác đi thị sát tình hình thực địa tại huyện Bác Ái; buổi sáng, làm việc với UBND xã Phước Trung để tham vấn kinh nghiệm cộng đồng phòng chống thiên tai, công tác phối hợp giữa địa phương với nhà trường và đề xuất tăng cường công tác phối hợp thực hiện…

Buổi chiều, đoàn tới thăm và tham vấn tại cơ sở trường học Trường bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, phỏng vấn nhóm học sinh, phụ huynh về vấn đề tiếp cận thông thiên tai, các hoạt đồng phòng chống thiên tai trong trường học… trên địa bàn xã Phước Trung, huyện Bác Ái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Tổ chức các hoạt động Dự án: “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO