Tài nguyên nước

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ nguồn nước: Nền tảng để phát triển bền vững

Đỗ Vương 28/03/2024 - 08:52

(TN&MT) - Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo và tiềm năng phát triển kinh tế nhưng đặc biệt khó khăn nguồn nước, Ninh Thuận đang triển khai nhiều kế hoạch bảo vệ nguồn nước để thúc đẩy phát triển bền vững. Các biện pháp bảo vệ nguồn nước không chỉ đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho dân cư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển, như nông nghiệp, du lịch và công nghiệp...

Khoanh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Thực hiện Luật Tài nguyên nước, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt “Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh” để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn. Đồng thời, giao cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước; thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trên địa bàn.

z3864424908048_943e2b38786a9f81fccb3b73cd5589be.jpg
Một góc Vịnh Vĩnh Hy - Ninh Thuận

Cùng đó, triển khai kế hoạch quan trắc môi trường, thường xuyên lấy mẫu nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, phát hiện những bất thường, thay đổi về các yếu tố như độ pH, oxy hòa tan, nhiệt độ, độ trong... để có những dự báo và khuyến cáo kịp thời.

Để giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có Quyết định số 26/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất vùng ven biển có tổng diện tích 367,12km2 với 388 vùng hạn chế được phân bố tại 46 xã, phường, thị trấn.

Theo đó, Vùng hạn chế 1: Thực hiện đối với những khu vực nước dưới đất bị nhiễm mặn với hàm lượng Tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500 mg/l trở lên và khu vực liền kề; khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sinh vật mà chưa có giải pháp công nghệ để xử lý để bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và khu vực liền kề; khu vực có nghĩa trang tập trung và khu vực liền kề. Tổng diện tích 87,17km2 với 90 vùng hạn chế 1.

Vùng hạn chế 3: Thực hiện đối với các khu vực đã được được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước; các khu vực chưa được đấu nối nhưng có điểm đấu nối liền kề của hệ thống cấp nước tập trung và sẵn sàng để cung cấp nước sạch, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước. Tổng diện tích 64,74km2 với 68 vùng hạn chế 3.

Vùng hạn chế hỗn hợp: Là phần diện tích chồng lấn của vùng hạn chế 1 và vùng hạn chế 3. Tổng diện tích 215,21km2 với 230 vùng hạn chế hỗn hợp.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận theo quy định; Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thuộc địa bàn quản lý; Định kỳ 5 năm hoặc khi cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc điều chỉnh Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho phù hợp với tình hình thực tế.

Phát triển đi đôi với bảo vệ tài nguyên nước

Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, phát triển đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước. Trong nông nghiệp, các hệ thống tưới tiết kiệm nước và các phương pháp canh tác bền vững được đẩy mạnh. Trong du lịch, việc quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như tham quan hồ nước ngọt, tham gia trải nghiệm văn hóa cộng đồng đang thu hút sự quan tâm của du khách. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch và tiết kiệm năng lượng cũng là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn và rừng già trên núi cũng đóng vai trò rất quan trọng. Rừng già đầu nguồn giúp giữ đất, bảo vệ môi trường sinh thủy, bảo tồn và phục hồi nguồn nước mặt nước ngầm, cung cấp nguồn nước ngọt cho các con sông. Rừng ngập mặn giúp duy trì hệ sinh thái đặc biệt, lọc các chất ô nhiễm để bảo vệ nguồn nước ngọt cho các con sông, điều tiết lũ, giảm nguy cơ xâm nhập mặn.

Việc bảo vệ các nguồn nước, lưu thông dòng chảy, bảo vệ lòng bờ bãi sông được tỉnh thực hiện hiệu quả trên cơ sở triển khai Nghị định số 43 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, góp phần phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước...

Tính đến nay, các nỗ lực này đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Nguồn nước sạch được duy trì, các ngành kinh tế đang phát triển mạnh mẽ hơn và người dân địa phương cũng được hưởng lợi từ thành quả phát triển này thông qua việc tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập.

Việc bảo vệ nguồn nước không chỉ đảm bảo nguồn sống cho cộng đồng hiện tại mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai của tỉnh. Chính sách và biện pháp bảo vệ nguồn nước hiện đang được tỉnh Ninh Thuận thực hiện đồng thời với việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước một cách toàn diện, đồng bộ và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận tăng cường bảo vệ nguồn nước: Nền tảng để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO