Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình thì đối với công tác quản lý địa giới hành chính cấp xã, cấp huyện trong nội tỉnh được thực hiện tốt, việc lưu trữ quản lý, khai thác sử dụng hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính của chính quyền các cấp được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, các tuyến địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã trong nội tỉnh đều ổn định, không xảy ra tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính.
Tuy nhiên, do quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quá trình vận động của địa chất tự nhiên, thiên tai lũ lụt và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực đô thị và ven đô thị, việc xây dựng các khu cụm công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… đã làm phá vỡ thực trạng quản lý về địa giới hành chính các cấp tại một số khu vực. Một số nơi đường địa giới hành chính các cấp trên thực địa bị biến dạng, không còn phù hợp với hồ sơ, mốc địa giới hành chính các cấp mà chính quyền các địa phương đang quản lý, sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản, tiềm ẩn phát sinh việc tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính các cấp.
Đối với các tuyến địa giới hành chính cấp tỉnh: Sau khi kết thúc việc thực hiện Chỉ thị số 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn tồn tại 4 khu vực tranh chấp đất đai có liên quan đến địa giới hành chính các cấp giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hòa Bình (khu vực Đá Hàn trên tuyến địa giới hành chính giữa xã Gia Hòa, huyện Gia viễn, tỉnh Ninh Bình với xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; khu vực Đền Cát Đùn trên tuyến địa giới hành chính giữa xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; khu vực phía Tây 9 quả đồi Lim trên tuyến địa giới hành chính giữa xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình; khu vực Vườn Âm – Mống Ếch trên tuyến địa giới hành chính giữa xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Về vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo UBND các huyện, các xã liên quan chủ động, thường xuyên khảo sát thực địa, cập nhật thông tin, tổng hợp số liệu hiện trạng, kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình để đề xuất phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tại 2 khu vực còn lại trên tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hòa Bình (gồm khu vực Đền Cát Đùn và khu vực phía Tây 9 quả đồi Lim), UBND tỉnh đã báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh về phương án đề nghị giải quyết và giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các Sở, ngành chuyên môn liên quan và UBND các huyện cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu hiện trạng, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ về phương án giải quyết để trình UBTV Quốc hội xem xét, quyết định. Trong khi chờ quyết định, UBND tỉnh Ninh Bình vẫn tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương lien quan thuộc tỉnh, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Đoàn công tác liên ngành Trung ương và cấp có thẩm quyền, giữ gìn bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, trên cơ sở tôn trọng hiện trạng sử dụng đất của các bên liên quan.