Ninh Bình nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH

05/04/2016 00:00

(TN&MT) – Hiện nay, Ninh Bình là tỉnh ven biển phía Bắc dễ bị tổn thươngnhất do ảnh hưởng của BĐKH. Trước thực tế đó, Ninh Bình đã xác định nhiệm vụ cấp bách cần xây dựng năng lực chống chịu cho các hệ thống cơ sở hạ tầng và năng lực người dân.

Diễn biến cực đoan

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ nét với các hiện tượng ngập lụt,  xâm nhập mặn, suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi nhiệt độ, phát thải khí nhà kính… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội và người dân địa phương.

Cụ thể, lượng mưa diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng cực đoan và không theo quy luật trung bình nhiều năm; nền nhiệt độ có xu hướng tăng trong vòng 30 năm trở lại đây. Tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng diễn biến thất thường. Xâm nhập mặn lấn sâu vào cửa sông Đáy từ 35 – 40km, sông Vạc từ 30 – 35km; đã xuất hiện độ mặn 1,3%o tại Âu sông Mới; cánh đồng cói vốn là đặc sản của Ninh Bình cũng biến mất. Giai đoạn gần đây từ 2012 – 2015 độ mặn có xu hướng giảm một phần do ảnh hưởng bởi sự xả lũ từ các công trình thủy điện, hồ chứa trên thượng lưu.

Ngập lụt ở Gia Viễn - Ninh Bình. Ảnh: baoninhbinh.org.vn
Ngập lụt ở Gia Viễn - Ninh Bình. Ảnh: baoninhbinh.org.vn

Đặc biệt, hiện tượng ngập lụt diễn ra mạnh mẽ tại Ninh Bình thời gian qua. Với địa thế là hành lang thoát lũ, vùng phân lũ, chậm lũ trong trường hợp thành phố Hà Nội ngập lụt trên sông Đáy; 11 xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) là vùng hi sinh, đánh đổi cứu lũ cho toàn tỉnh và hạ du, thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ từ tỉnh Hòa Bình tràn về trên sông Hoàng Long.

Bên cạnh đó, hậu quả từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội vô cùng nóng và nhanh trong những năm qua. Ước tính, đến năm 2020 nếu không có các biện pháp hạn chế lượng phát thải khí nhà kính sẽ lên đến 3.500 tấn CO2/ngày đêm.

Trước thực tế đó, tỉnh Ninh Bình đã triển khai các nhóm giải pháp chung về đào tạo nâng cao nhận thức; tăng cường quản lý nhà nước về BĐKH, thiết lập cơ chế hợp tác công tư, tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; nhất là xây dựng năng lực chống chịu cho các hệ thống cơ sở hạ tầng và năng lực người dân để ứng phó với BĐKH.

Vỡ đập, Ninh Bình chìm trong biển nước. Ảnh: baoninhbinh.org.vn
Vỡ đập ở Ninh Bình. Ảnh: baoninhbinh.org.vn

Đồng thời, xây dựng và thực hiện các giải pháp theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh ưu tiên nâng cao năng lực, hệ thống thông tin cảnh báo khả năng cảnh báo lũ lụt, hạn hán…và tình hình thiên tai; Điều chỉnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, chuyển đổi và thử nghiệm các giống mới chịu mặn, chịu hạn, thay đổi sinh kế của người dân cho phù hợp. Hoàn thiện, tu bổ hệ thống đê kè, các công trình thủy lợi, xây dựng các hồ chứa, công trình phòng, chống lũ…

Ninh Bình cũng chú trọng ứng dụng công nghệ mới giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, tăng cường tập huấn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức tập huấn, tuyên truyền các kiến thức về BĐKH; quy hoạch và quản lý các quy hoạch tài nguyên nước, khoáng sản…

Đến năm 2020 nếu không có các biện pháp hạn chế lượng phát thải khí nhà kính sẽ lên đến 3.500 tấn CO2/ngày đêm
Đến năm 2020 nếu không có các biện pháp hạn chế lượng phát thải khí nhà kính sẽ lên đến 3.500 tấn CO2/ngày đêm

Nâng cao năng lực “chống chịu”

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các giải pháp trên còn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức về nhiều mặt. Chẳng hạn, thiếu các nguồn lực cần thiết như con người, tài chính, cơ sở hạ tầng, công nghệ…Có những vấn đề cần hợp tác liên vùng, không thể giải quyết đơn lẻ (xâm nhập mặt, quản lý tài nguyên nước…); Nhận thức các cấp còn manh mún, tập trung dưới góc độ quản lý theo từng ngành, chưa có tầm nhìn mang tính tổng quát; thiếu cơ chế điều phối hợp tác liên vùng, liên ngành.

Để nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH theo đúng thực tế của từng địa phương về tính dễ bị tổn thương và rủi ro khí hậu, Ninh Bình đã rà soát kế hoạch ưu tiên hành động cụ thể trong giai đoạn 2016 – 20120. Theo đó, thứ tự ưu tiên các dự án bao gồm: Nâng cao sức chống chịu với ngập lụt tại vùng phân lũ sông Hoàng Long, Gia Viễn, Ninh Binh với quy mô kết cấu hạ tầng trong vùng phân lũ…; Truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH và NBD cho cán bộ Sở/Ban, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ khí nhà kính trên địa bàn;

Tiếp đó là các dự án thiết lập hệ thống cảnh báo sớm (lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán) và tăng cường khả năng điều phối liên ngành; Phát triển và bảo tồn vành đai rừng phòng hộ tại Công viên động vật hoang dã Quốc gia và khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long; Cập nhật bản đồ ngập lụt và rà soát quy hoạch chống lũ gắn liền với tài nguyên nước tỉnh Ninh Bình.

Tuyết Chinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO