Ninh Bình: Gỡ “vướng” trong quy hoạch, quản lý sử dụng nguồn lực đấu giá quyền sử dụng đất

Tuyết Chinh| 08/07/2021 10:31

(TN&MT) - Thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có chuyển biến tích cực, góp phần đưa công tác đấu giá quyền sử dụng đất đi vào nền nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này còn tồn tại một số hạn chế cần sớm khắc phục liên quan đến khâu quy hoạch, quản lý sử dụng nguồn lực đấu giá quyền sử dụng đất.

Tổng kết công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai, công tác đấu giá quyền sử dụng đất, bán đấu giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất tỉnh Ninh Bình đã được thực hiện bám sát các quy định của pháp luật, đảm bảo về trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

Việc lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản và ký hợp đồng dịch vụ được thực hiện công khai, đúng quy định để lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá phù hợp, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đấu giá tài sản.

Một góc thành phố Ninh Bình: MH

Công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện đấu giá tài sản được thực hiện hàng năm. Trong giai đoạn 2016 -2020, Sở Tư pháp Ninh Bình đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra các doanh nghiệp đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đã có chuyển biến tích cực, góp phần đưa công tác đấu giá quyền sử dụng đất đi vào nền nếp, hiệu quả.

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 16.234 tỷ đồng (chiếm 29% tổng chi ngân sách địa phương và 60,8% chi đầu tư phát triển).

Đấu giá quyền sử dụng đất hiệu quả đã giúp quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, huy động nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, tạo nguồn cho ngân sách tỉnh và ngân sách các cấp thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và cải thiện kết cấu hạ tầng; qua đó, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội địa phương.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, đấu giá quyền sử dụng đất là nguồn lực rất lớn tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu đất ở cho người dân… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn tồn tại một số hạn chế cần sớm khắc phục liên quan đến khâu quy hoạch, quản lý sử dụng nguồn lực đấu giá quyền sử dụng đất.

Để triển khai hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc yêu cầu các cấp, các ngành cần thống nhất trên quan điểm đấu giá quyền sử dụng đất cần hài hòa giữa nhu cầu về đất ở và nhu cầu tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, mang lại những giá trị phúc lợi cho nhân dân. Trong đó, cần quan tâm tới khâu lập quy hoạch sử dụng đất; sử dụng nguồn đấu giá; trình tự thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất; hình thức đấu giá đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Gỡ “vướng” trong quy hoạch, quản lý sử dụng nguồn lực đấu giá quyền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO