Nhiều xã “gánh nợ”
Thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã ồ ạt đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng để hoàn thiện các tiêu chí. Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt khi chưa bố trí được nguồn vốn dẫn đến tình trạng sau khi về đích nông thôn mới, nhiều xã phải “gánh nợ”.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 109/119 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có một xã đạt NTM nâng cao và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh Ninh Bình có 4 huyện là Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô đã được công nhận đạt chuẩn NTM và thành phố Tam Điệp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong quá trình xây dựng NTM, các xã đều tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm... nhằm đáp ứng các tiêu chí về xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt, nhiều dự án khi chưa được bố trí vốn vẫn cho khởi công xây dựng dẫn đến tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản tại các xã tăng cao. Xã ít thì vài tỉ đồng, xã nhiều lên đến cả vài chục tỉ đồng. Điều đáng nói là, dù nợ nhiều như vậy nhưng hầu hết các xã đều chưa bố trí được nguồn để chi trả.
Nhiều địa phương chỉ biết trông chờ vào đấu giá đất để lấy nguồn trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: NT |
Đơn cử như tại xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư) hiện nợ gần 20 tỉ đồng, nhưng cũng chưa biết lấy nguồn ở đâu để chi trả. Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Khanh, địa phương đang xây dựng kế hoạch đấu giá một số khu đất trên địa bàn xã để lấy nguồn.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) về đích NTM vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, xã đang nợ khoảng gần 30 tỉ đồng vì một số công trình còn dở dang, chưa hoàn thiện nên chưa thể xác định con số nợ cụ thể được. Nguồn kinh phí duy nhất để trả nợ là trông chờ vào đấu giá quyền sử dụng đất. Mặc dù vậy, do đặc thù là xã miền núi nên giá trị đất cũng thấp.
Tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản sau khi về đích NTM xảy ra ở hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản tăng cao là do các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để kịp hoàn thiện các tiêu chí để về đích NTM theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Trông chờ vào đấu giá quyền sử dụng đất?
Thực tế cho thấy, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sau khi về đích nông thôn mới (NTM) phải “còng lưng” gánh nợ nhưng chưa biết lấy nguồn đâu để chi trả. Nhiều xã chỉ biết trông chờ vào nguồn duy nhất là từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo lãnh đạo UBND huyện Nho Quan, xây dựng NTM thì xã nào cũng nợ vì phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện các tiêu chí... giải pháp để có nguồn trả nợ chủ yếu dựa vào đấu giá quyền sử dụng đất.
Hay như huyện Yên Mô (Ninh Bình) được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2021. Toàn huyện có 16 xã đã về đích NTM trong năm 2020, tuy nhiên hầu hết các xã đều nợ đầu tư xây dựng cơ bản.
Tính đến tháng 12/2020, toàn huyện đã thực hiện đầu tư xây dựng 620 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. Tổng số vốn đã đầu tư được phê duyệt là 3.522.854 triệu đồng, trong đó cấp xã là 1.047.917 triệu đồng và cấp huyện là 2.474.937 triệu đồng.
Khối lượng xây dựng cơ bản đã thực hiện chưa thanh toán đến ngày 31.12.2020 trên địa bàn huyện là 242.229 triệu đồng, trong đó cấp huyện là 107.340 triệu đồng, cấp xã là 134.889 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Huyện uỷ huyện Yên Mô cho biết, hiện nay, huyện đã có phương án bố trí nguồn vốn từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đã thực hiện đến ngày 31/12/2020.
Theo ông Sơn, việc đấu giá quyền sử dụng đất để lấy nguồn trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản được xem là giải pháp căn cơ nhất hiện nay đối với huyện Yên Mô. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 nên việc đấu giá đất trên địa bàn huyện thời gian qua bị chững lại.
Mặt khác, do chính sách thắt chặt đầu tư công, nguồn hỗ trợ của cấp trên cho chương trình hạn chế trong khi nguồn thu của huyện, của xã chủ yếu từ đấu giá giá trị quyền sử dụng đất nhưng giá trị đất thấp, tiến độ đấu giá chậm. Ngoài ra, không phải xã nào cũng đấu giá được, chỉ có một số xã gần trung tâm, giao thông thuận tiện thì đấu được giá cao. Còn đối với những xã vùng sâu, vùng xa thì đấu giá thấp, tiền thu được không đủ để làm hạ tầng.
Bí thư huyện uỷ Yên Mô cũng cho biết thêm, huyện đang đề xuất với tỉnh sau khi đấu giá đất thì tiền chuyển về ngân sách huyện sau đấy huyện sẽ căn cứ vào tình hình nợ của từng xã để phân bổ. Có như vậy, các xã mới trả được nợ, nếu không, những xã không đấu giá đất được thì lấy đâu ra nguồn để trả nợ.
Những thành tựu mà Ninh Bình đã đạt được trong việc thực hiện chủ trương xây dựng NTM là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, làm sao để về đích NTM một cách bền vững, không phải rơi vào tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản tăng cao và trông chờ vào đấu giá quyền sử dụng đất để trả nợ mới là điều người dân mong mỏi.
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt đầu tư mới 375 dự án với trên 3,7 nghìn tỉ đồng.
Cụ thể như: Thành phố Ninh Bình đã triển khai 30 công trình với giá trị hơn 866 tỉ đồng; thành phố Tam Điệp 25 công trình với giá trị trên 133 tỉ đồng; huyện Yên Khánh 68 công trình với giá trị 520 tỉ đồng; huyện Kim Sơn 55 công trình với giá trị 528 tỉ đồng; huyện Yên Mô 90 công trình với giá trị 643 tỉ đồng; huyện Nho Quan 58 công trình với giá trị 517 tỉ đồng; huyện Hoa Lư 25 công trình với giá trị 305 tỉ đồng và huyện Gia Viễn 24 công trình với giá trị 237 tỉ đồng.