Niềm tin và kỳ vọng

Báo TN&MT| 04/08/2022 14:55

(TN&MT) - Đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của Bộ TN&MT trong thời gian qua và kỳ vọng thế mạnh này được phát huy trong thời gian tới là suy nghĩ chung của một số nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước ngay trước thềm Lễ kỷ niệm 20 năm Thành lập Bộ TN&MT. Báo TN&MT trân trọng lược ghi, giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Alok Sharma - Bộ trưởng Chính phủ Anh - Chủ tịch COP26: “Bộ TN&MT sẽ tiếp tục có vai trò rất quan trọng với nội dung của đoàn Việt Nam tại COP27”

Vào tháng 11/2021, đã có gần 200 quốc gia có mặt tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cả đại diện đến từ Việt Nam và các quốc gia này đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Tôi muốn đặc biệt chúc mừng Việt Nam và Thủ tướng Phạm Minh Chính về vai trò lãnh đạo thực sự của Chính phủ khi tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050. Cam kết này đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.

t10.jpg
Ông Alok Sharma - Bộ trưởng Chính phủ Anh - Chủ tịch COP26

Cũng tại Hội nghị này, gần 200 quốc gia và tổ chức đã đưa ra cam kết từ bỏ than đá. Theo đó, các quốc gia và tổ chức này đã đồng ý loại bỏ dần điện than vào những năm 2030 cho các nền kinh tế lớn và những năm 2040 cho các quốc gia nghèo hơn. Đồng thời, Hội nghị đã nhất trí một loạt các cam kết khác. Điều này đã tạo ra một phần động lực để tiến tới và đảm bảo rằng tại CO26 đã có tất cả các quốc gia ký kết Hiệp ước khí hậu Glasgow.

Sau COP26, chúng tôi đánh giá cao những thông tin mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đưa ra về việc trong “Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam” đã thể hiện các quan điểm xuyên suốt về vị trí và vai trò, mức độ ưu tiên, trách nhiệm, phương thức và nguồn lực cho ứng phó BĐKH; đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra theo các giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050 đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng “0”; đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về thích ứng với BĐKH, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với BĐKH…

Có thể nói, tại COP26 và các Hội nghị tương tự trong thời gian tới, vai trò của Bộ TN&MT đối với những đóng góp chính vào nội dung của đoàn Việt Nam là rất quan trọng. Tôi hy vọng rằng, vào thời gian COP27 diễn ra vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ chứng kiến sự tiến triển hơn nữa trong việc đầu tư và hỗ trợ dành cho Việt Nam.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ: “Chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường của thành phố”

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn giúp các địa phương, trong đó có TP. Cần Thơ kịp thời triển khai những quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, BĐKH, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng tập trung triển khai nhiều công trình, dự án quan trọng trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng như tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như dự án quy hoạch và điều tra tài nguyên nước; dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; dự án xây dựng trung tâm dữ liệu ĐBSCL… đây là những công trình, dự án có ý nghĩa to lớn và rất thiết thực đối với sự phát triển bền vững của TP. Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung trong thời gian tới.

t10a.jpg
Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ

Đối với ngành TN&MT TP. Cần Thơ, trong những năm qua, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể, ngành TN&MT đã kịp thời tham mưu UBND TP. Cần Thơ ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của thành phố; triển khai quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương án quy hoạch; việc cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn thành phố đúng theo các quy định của pháp luật đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong công tác quản lý, BVMT, ngành TN&MT TP. Cần Thơ đã tập trung triển khai các giải pháp để đưa công tác quản lý Nhà nước về môi trường đi vào khuôn khổ, nền nếp; chất lượng đánh giá, dự báo tác động môi trường ngày càng đi vào chiều sâu; Đồng thời ngành TN&MT cũng chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai các dự án BVMT, thích ứng với BĐKH, tham gia thỏa thuận Thị trường toàn cầu về năng lượng và BĐKH. Có thể nói, ngành TN&MT đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường ở khu vực đô thị và nông thôn, giúp TP. Cần Thơ trở thành thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu và là thành phố ASEAN bền vững môi trường…

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: “Huy động trí tuệ, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong công tác xây dựng pháp luật”

Những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ Khóa XIV, tôi cho rằng Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT đã rất quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật lĩnh vực TN&MT. Có thể kể đến các Luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây như: Luật Khí tượng thủy văn; Luật Đo đạc bản đồ và đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Các Luật trên cùng với hệ thống văn bản thi hành sau Luật đã thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, ứng phó với BĐKH. Thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, viễn thám. Và đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động để đưa công tác BVMT trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững.

t10b.jpg
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, công tác xây dựng thể chế của Bộ TN&MT ngày càng cần phát triển ở mức cao hơn. Vì vậy Bộ cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nỗ lực, phát huy tinh thần sáng tạo trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, khẳng định vai trò, vị thế của lĩnh vực quản lý quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân trong xã hội, góp phần ổn định kinh tế chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Theo kế hoạch, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ TN&MT sẽ xây dựng, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật quan trọng, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Khoáng sản (sửa đổi). Vì vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, Bộ cần quyết tâm thực hiện các giải pháp và cơ chế đột phá cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật như: ưu tiên dành nguồn lực ở mức cao nhất cho công tác xây dựng pháp luật; Huy động trí tuệ, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực TN&MT; kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác pháp chế đủ năng lực, độc lập và chuyên nghiệp, xứng tầm nhiệm vụ...

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam: “Cần tận dụng cơ hội để đưa Việt Nam trở thành quốc gia xanh, sạch và bền vững”

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã có quá trình hợp tác lâu dài với Bộ TN&MT kể từ khi Bộ thành lập vào năm 2002. Như vậy, 20 năm trước, chúng tôi đã là đối tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ BVMT, đa dạng sinh học, BĐKH, kinh tế tuần hoàn thích ứng với BĐKH, giảm thiểu rác thải nhựa.

Trong đó, ở lĩnh vực BVMT, chúng tôi có nhiều cam kết quan trọng như giảm 54 tấn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Và chúng tôi cũng "cô lập" hơn 250 tấn chất thải ô nhiễm. Chúng tôi đã cùng nhau tham gia hàng loạt các lĩnh vực và tôi nghĩ rằng có nhiều lĩnh vực mà UNDP và Bộ TN&MT có thể tự hào vì những kết quả hợp tác không chỉ mang lại sự phát triển cho Việt Nam mà còn vì lợi ích toàn cầu.

t11.jpg
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam

UNDP tại Việt Nam xin chúc mừng Bộ TN&MT vì đã có vai trò lớn trong việc tham gia hợp tác với nhiều đối tác phát triển đa phương cả trong nước và quốc tế về một loạt các vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cả Việt Nam và các chương trình nghị sự toàn cầu. Việt Nam có thể tự hào vì thông qua vai trò của Bộ TN&MT, đã tham gia rất tích cực và chủ động vào khoảng hơn 20 công ước quốc tế. Tôi chỉ xin đề cập đến 2 công ước mà Việt Nam tham gia ký kết. Một là công ước về BĐKH và 2 là công ước về đa dạng sinh học vì đây là những lĩnh vực quan trọng, nền tảng. Tôi đánh giá cao sự tham gia của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng theo cách này. UNDP rất mong đợi sẽ được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Bộ TN&MT trong thời gian tới để thúc đẩy thực hiện tốt nhất các cam kết của Việt Nam tại COP26 và vai trò của Bộ TN&MT được trao trong bối cảnh này là cực kỳ quan trọng.

Thật tuyệt vời khi Bộ TN&MT bước sang tuổi 20 vào năm nay, năm con Hổ. Đây cũng là thời gian tuyệt vời khi Bộ TN&MT kỷ niệm 20 năm thực hiện cam kết. Nhân dịp này, UNDP Việt Nam xin chúc Bộ TN&MT nói chung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói riêng, mọi điều tốt đẹp nhất, xây dựng con đường riêng đạt được thành tựu trong 20 năm qua, đồng thời tận dụng cơ hội để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xanh, sạch và bền vững.

Ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: “Ngành đã góp phần phát huy nguồn lực đất đai để Điện Biên phát triển”

Thời gian qua, chính sách, pháp luật quản lý đất đai có tác động trực tiếp đến mọi đối tượng trong xã hội. Đặc biệt từ khi Luật Đất đai 2013 sửa đổi ban hành đi vào cuộc sống, giúp cho các nhà quản lý có cơ sở để thể hiện rõ vai trò quản lý Nhà nước về đất đai, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quản lý Nhà nước về đất đai là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy địa phương. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai sẽ không bị thất thoát nguồn lực, tạo ra các dự án. Đây là một trong những giải pháp tốt nhất của Điện Biên trong giai đoạn này và những năm sau. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò chỉ đạo điều hành của Bộ TN&MT trong công tác này. Trên cơ sở đó, ngành TN&MT tỉnh Điện Biên cũng đã đóng góp rất quan trọng vào công tác tham mưu cho UBND tỉnh các kế hoạch để phát huy nguồn lực, thế mạnh của tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên đất đai nói riêng để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

t11a.jpg
Ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố. Các cơ quan có liên quan quản lý tốt về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm và trong giai đoạn. Đến nay, Điện Biên đã thực hiện hoàn thành việc lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời chỉ đạo Sở TN&MT lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Điện Biên (2021 - 2025)… tất cả đều góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo Nhà nước quản lý và sử dụng đất tiết kiệm, khai thác hợp lí, có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai, BVMT, tạo nguồn lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên. Tất cả những điều này, chúng tôi tin Điện Biên sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM: “Chúng tôi luôn mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Bộ TN&MT trong công tác chuyên môn”

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, Sở TN&MT nói riêng và ngành TN&MT thành phố nói chung đã từng bước khẳng định được vị thế, vai trò là cơ quan tham mưu, là chỗ dựa tin cậy về quản lý tài nguyên và BVMT của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Có thể nói trong 20 năm qua, ngành TN&MT TP.HCM đã có những đóng góp quan trọng, trực tiếp, toàn diện vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của TP.HCM.

TP.HCM luôn là địa phương tiên phong thí điểm và đề xuất Trung ương cho áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá trong thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực TN&MT. Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP.HCM trình Chính phủ cho áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

t11b.jpg
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Có thể kể đến, công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào nền nếp, nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả: Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giảm dần việc sử dụng đất tự phát; góp phần tăng nguồn thu tài chính từ đất đai. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức đạt yêu cầu đề ra, đảm bảo việc thực hiện các giao dịch về đất đai, là một trong những nguồn vốn tái đầu tư góp phần phát triển kinh tế. Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, ứng phó BĐKH, BVMT… ngành TN&MT cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố.

Có được những kết quả đó, Sở TN&MT TP.HCM luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Bộ TN&MT trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đối với các vấn đề cụ thể vướng mắc, phát sinh tại địa phương, khi Sở TN&MT có các văn bản đề nghị hướng dẫn, lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc bộ đều có văn bản trả lời đầy đủ, kịp thời. Không chỉ vậy, Bộ TN&MT còn cử cán bộ chuyên môn vào hướng dẫn cho các đơn vị của sở triển khai, xử lý các vấn đề mới hoặc những vụ việc cụ thể. Chúng tôi rất mong sự phối hợp hiệu quả này sẽ được phát huy trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin và kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO