Năm 2017, tỷ lệ độ che phủ rừng của Mường Nhé đạt 45,9%. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 67.630,7ha, diện tích giao khoán khoanh nuôi tái sinh 3.359,4ha, hiện đang giao cho các hộ cá nhân và cộng đồng thôn bản khoanh nuôi, bảo vệ.
Năm 2017, Mường Nhé nhận tổng số tiền từ Quỹ chi trả DVMTR, tỉnh Điện Biên 16.786 triệu đồng. Riêng xã Sen Thượng, có 7 cộng đồng thôn bản, quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên 10.198ha, số tiền nhận về trong năm 2017 trên 8,1 tỷ đồng.
Tính riêng cộng đồng bản Tả Ló San, với 19 hộ gia đình là một trong những cộng đồng được hưởng tiền DVMTR nhiều nhất cả nước. Diện tích rừng quản lý bảo vệ của bản Tả Ló San trên 2.762ha, tổng số tiền được nhận từ khi có chi trả DVMTR là trên 8,3 tỷ đồng (năm 2017 trên 2,2 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được nhận trên 115 triệu đồng).
Không chỉ những người giữ rừng được hưởng lợi, người dân trồng cao su Mường Nhé cũng bắt đầu được hưởng lợi từ cây cao su. Ngày 25/4, Công ty CP cao su Mường Nhé bắt đầu cho khai thác mủ trên diện tích 200ha cao su trồng từ năm 2009 và đã được Công ty TNHH Cao su Giang Thành (Trung Quốc) đồng ý mua sản phẩm mủ tại lối mở A Pa Chải – Long Phú.
Năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao C.ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên đạt sản lượng 120 tấn, năng suất 592kg/ha. Công ty phấn đấu hoàn thành, vượt chỉ tiêu kế hoạch với sản lượng 125 tấn, năng suất 615kg/ha.
Ông Sùng A Chai, người dân bản Mường Nhé 2, phấn khởi: Gia đình tôi đã gắn bó với Công ty từ những năm đầu tiên, công việc khai hoang trồng mới và chăm sóc cây cao su thường xuyên cho gia đình thu nhập ổn định. Đến nay, cao su cho khai thác mủ, tôi rất vui mừng vì lao động chính trong gia đình đều có việc làm.
Sau khi mủ cao su cho khai thác, người dân sẽ được hưởng 10% giá trị sản phẩm nhân với diện tích góp đất.