Chuyện khó hiểu ở Cụm công nghiệp làng nghề
Số liệu thống kê của UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) cho biết, toàn xã hiện có khoảng 10 hộ làm nghề sơ chế lông vũ, khoảng 50 hộ tái chế nhựa và khoảng 30 hộ làm phụ liệu may mặc (chỉ, sợi, tơ). Năm 2008, UBND huyện Thanh Trì đầu tư xây dựng khu Cụm công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 50.000m2 để di dời các hộ có nghề truyền thống của xã ra khu vực đó.
Tuy nhiên thực tế PV ghi nhận thấy rằng tại Cụm công nghiệp này, hầu hết tập trung những công ty có quy mô vừa và lớn hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: dệt may, tái chế nhựa, phân bón … Toàn bộ cụm công nghiệp có rất ít những hộ dân làm nghề truyền thống. Thay vào đó, những hộ dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn tận dụng nhà của mình để vừa làm nơi ở, vừa làm nơi sản xuất. Khảo sát một vòng làng nghề truyền thống xã Tân Triều, điều dễ nhận thấy là hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường, xả thải tràn lan của các hộ sản xuất.
Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ các hộ làm nghề truyền thống không thể vào Cụm công nghiệp được là do những bất cập trong chính sách quản lý. Bởi lẽ sau khi Cụm công nghiệp làng nghề được xây dựng xong, nhà nước tiến hành cho đấu giá những ô đất có diện tích rất lớn, vượt quá khả năng tham gia của các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Quy định này chỉ tạo điều kiện cho những công ty có tiềm lực kinh tế gom đất.
Trao đổi về vấn đề này với PV báo TN&MT, ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp liên kết, chẳng hạn khi đấu giá, chỉ một doanh nghiệp là không đủ nên phải kết hợp với các doanh nghiệp khác để cùng đấu giá một lô đất và có sự ủy quyền. Có những lô có diện tích lên đến 1.000m2, một doanh nghiệp làm sao đủ tiềm lực để mua một mình được? Đó cũng chính là lý do khiến đa số các hộ sản xuất nghề truyền thống ở xã Tân Triều không thể vào Cụm công nghiệp được và vẫn sản xuất tại nhà. Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và làm tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư. Rõ ràng đây là thực tế tại làng nghề chúng tôi nhưng không biết làm thế nào khác được”.
Xây trạm xử lý nước thải cho đẹp?
Một bất cập khác đã và đang diễn ra tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Tân Triều, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất tại đây là trạm xử lý nước thải nằm “đắp chiếu” hơn 10 năm qua. Được biết, từ năm 2005, làng nghề xã Tân Triều được Hà Nội đầu tư xây dựng trạm thu gom, xử lý nước thải tập trung với tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi xây dựng đến nay trạm chưa từng vận hành, toàn bộ nước thải của làng nghề được xả thẳng ra môi trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Quyền cho biết: “Trạm xử lý nước thải không hoạt động, nguyên nhân thực tế tôi không nắm rõ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tôi được biết do giám đốc đơn vị quản lý, vận hành ban đầu vừa tiếp nhận xong bị bệnh và phải đi điều trị ở rất nhiều nơi nên công tác vận hành làng nghề chưa được bài bản theo đúng quy chế đấu giá bàn giao quản lý. Tuy nhiên cho đến ngày 10/10/2016, công ty xuất nhập khẩu Vạn Thuận được Thành phố giao lại quyền quản lý vận hành, khai thác và và tiếp tục thực hiện các hạng mục còn dở dang của dự án cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân Triều”.
Theo ông Đặng Ngọc Quyền, trước năm 2006, Cụm công nghiệp làng nghề trông rất nhếch nhác, hàng rào không có. Tuy nhiên sau khi bàn giao cho đơn vị mới, họ đã xây dựng hàng rào, sau đó thực hiện tổng dọn vệ sinh và quản lý về các nội dung liên quan đến làng nghề như quy chế, sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy, trồng cây xanh, ký hợp đồng để thu gom rác (rác sinh hoạt và rác công nghiệp). Riêng đối với trạm xử lý nước thải, sau khi kiểm tra hiện trạng trạm xử lý nước thải, huyện Thanh Trì thấy rằng trạm không còn hoạt động được nên huyện đã đề xuất thành phố Hà Nội cho phép và hỗ trợ kinh phí để được cải tạo lại. Đầu năm 2018, UBND thành phố đã có văn bản trả lời. Dự kiến năm 2019 chính quyền sẽ có phương án triển khai cải tạo lại.
Cũng do Cụm công nghiệp làng nghề hiện không có trạm xử lý nước thải tập trung nên hầu hết các đơn vị sản xuất ở đây đều xả thải trực tiếp ra môi trường. Liên quan tới thực tế này, ông Quyền khẳng định những doanh nghiệp có nguồn nước xả ra ngoài đều có hệ thống xử lý nước thải riêng, đảm bảo vệ sinh môi trường. “Các doanh nghiệp này cũng đề nghị UBND xã Tân Triều và UBND huyện Thanh Trì kiến nghị thành phố xin khôi phục lại trạm xử lý nước thải để hằng năm họ không phải đầu tư một khoản lớn cho hệ thống xử lý nước thải nữa” – ông Quyền nói.
Kỳ sau: Nhiều dấu hỏi về môi trường tại Làng nghề miến Phú Diễn