Thế rồi, dường như, việc thực thi quyết định đó cũng bị buông lơi, những quyết tâm, tâm huyết đó chưa được triển khai quyết liệt.
Và theo thời gian, hiển hiện những hình ảnh, bằng chứng là hàng loạt những vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng với bóng dáng của những chiếc phong bì ngày một dày lên. Nhìn lại một loạt vụ án tham nhũng, những Mai Văn Dâu, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến,… cho đến Đinh La Thăng và mới nhất là vụ Mobifone-AVG. Tất cả đều là bằng chứng sống cho thấy, những kẽ hở trong hệ thống hành chính cũng như những “vòng vèo” trong các thủ tục và cả sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một số cán bộ, trong đó, có cả cán bộ cấp cao, đã nảy sinh sự tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ.
Thực tế cũng cho thấy, các biểu hiện của tham nhũng ngày càng tinh vi, quy mô lớn và rộng hơn. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sáng 4/9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, một trong những yêu cầu điều tra hiện nay mà TƯ chỉ đạo là ngoài xử lý tội phạm thì đặt yêu cầu rất cao là phải thu hồi tài sản, phát hiện các hành vi tham nhũng gắn liền với các vi phạm. Nhưng theo ông Vương, trong tham nhũng, hành vi tham ô còn dễ phát hiện hơn, vì liên quan đến sổ sách, lấy tiền ra chia nhau. Còn chuyện đưa, nhận hối lộ là rất khó khăn.
Từ các vụ án tham nhũng thời gian qua, nếu chúng ta vẽ một sơ đồ đường đi của các phong bì, sẽ thấy không thiếu cấp nào, từ chính quyền cấp phường, xã, quận huyện, tỉnh thành đến cấp Trung ương. Những khoản tiền lót tay ấy cũng lớn dần theo cấp hành chính. Đã có những chiếc phong bì xinh xinh nhưng có giá trị cả chục nghìn đô la, những chiếc ô tô đắt tiền được cho “mượn” vô thời hạn không thể giải thích minh bạch được sau mỗi vụ việc. Và cả ngàn lời giải thích, biện minh sau đó cũng không thể làm vơi nỗi hoài nghi của dư luận đằng sau những khoản quà tặng “nho nhỏ” ấy. Tuy vậy, những khoản tiền này ít ai ký nhận. Và vì không có ký nhận nên không ít vụ án toà đành phải bỏ qua.
Vì sao việc dùng tiền để lo lót, để qua cửa các thủ tục hành chính đã trở thành phổ biến và mang tính hệ thống như vậy? Câu trả lời là: Trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, có quá nhiều cấp chính quyền, nhiều Bộ ngành can thiệp bằng nhiều cách vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân. Và để được việc (ví như để xây một ngôi nhà), hoặc có khi để trục lợi bất chính người ta đã phải dùng đến phong bì như một thứ “xúc tác” để công việc nhanh và hiệu quả. Với một thực trạng như vậy, nhiều doanh nghiệp (cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân), đến người dân khi triển khai việc sản xuất kinh doanh, công việc của mình đều phải “chạy”. “Chạy” từ người đóng dấu chạy lên đến người ký quyết định.
Thông tin về vụ án Mobifone-AVG được đưa ra với những con số “quà tặng bằng tiền” trị giá cả triệu đô la đã khiến dư luận không khỏi giật mình. Thêm một lần nữa, chúng ta phải nhắc lại quy định của 12 năm trước.
Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức Nhà nước nhận quà tặng không rõ mục đích hoặc có mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng. Đó cũng là yêu cầu từ mỗi cán bộ, công chức, mỗi công bộc của dân thể hiện sự liêm chính, chí công, vô tư trong công việc. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi một ý chí chính trị mạnh đủ để tiến hành triệt để công cuộc cải các hành chính, tách bạch quản lý Nhà nước với quản lý kinh doanh, loại bỏ các thủ tục gây phiền hà, sách nhiễu, đề cao quyền hạn và tạo thêm thuận lợi cho những người làm ăn chân chính.
Bởi lẽ, những món quà nho nhỏ, xinh xinh ấy nếu thành tiền lệ sẽ cứ ngày một lớn dần lên. Từ những tình cảm “chút ít” ấy dễ lớn lên thành những phong bì nặng đô, thành những món quà tặng có giá trị thật lớn. Và bổn phận của người cán bộ công chức cũng theo đó dễ “vơi” đi cùng sự lớn dần của những món quà từ rất nhiều địa chỉ.