Những đề xuất mong manh

Ngọc Lý| 23/06/2020 14:52

(TN&MT) - Mới  đây, Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm đã kiến nghị TP. Hà Nội cho phép nghiên cứu triển khai xây dựng Quảng trường Văn hóa - Thể thao Thanh niên tại ô đất 5B2 - đối diện sân vận động Mỹ Đình. Dự kiến, quảng trường sẽ có quy mô hơn 1 ha, bao gồm hạng mục cây xanh, không gian đi bộ.

Đây như một điều hiếm hoi trong hàng loạt các đề xuất khác vốn chỉ nhằm tới việc lấy đất để xây các công trình thương mại, nhà ở thuần túy.

Thực tế cho thấy, ở nhiều đô thị lớn trên cả nước, việc đề xuất (chứ chưa nói đến triển khai) xây dựng các công trình công cộng vốn dĩ không nhiều. Thế nên câu chuyện giành đất cho công trình công cộng ở những vị trí đắc địa, dù mới chỉ là đề xuất, của một quận, ít nhất cũng khiến những ai quan tâm tới không gian công cộng của Thủ đô… giật mình.

Ảnh minh họa

Nói như vậy bởi lẽ, vấn đề về quy hoạch, môi trường của các thành phố lớn ở Việt Nam hiện đang trở lên nóng bỏng bởi hàng loạt hệ lụy sau một thời gian dài buông lỏng quản lý. Đặc biệt, việc mở rộng, tạo lập các đô thị vệ tinh đã khiến nhiều khu vực đứng trước nguy cơ “vỡ quy hoạch” do cấp phép tràn lan các dự án.

Câu chuyện mở rộng thành phố và cấp phép các dự án đô thị mới, nhà ở một cách thái quá đang đẩy nhiều khu vực vào tình trạng quá tải. Nhiều nơi, việc phát triển các đô thị vệ tinh còn xâm lấn cả vào vùng đệm giữa hai đô thị. Đây là khoảng không gian xanh sinh thái (trong phạm vi từ 30 - 50km), một vành đai xanh quanh Đô thị trung tâm. Vành đai xanh này thường được đề xuất trồng rau, hoa, cây cảnh, phát triển vùng sinh thái, vùng canh tác nông nghiệp hoặc một số làng xóm, nhà vườn (mật độ xây dựng thấp) gắn kết với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh... Từ vành đai xanh sẽ có các nêm cây xanh tỏa sâu vào Thành phố trung tâm.

Vành đai xanh có không gian đủ rộng để phát triển một mô hình nông nghiệp hiện đại, có khả năng khắc phục hầu hết những hạn chế phát sinh trong quá trình đô thị hóa (nông dân mất đất trở thành thất nghiệp, môi trường thiên nhiên bị khai thác triệt để dẫn đến suy thoái). Nó còn tạo ra một động lực mới khi chuyển đổi thành mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Từ câu chuyện đề xuất xây dựng Quảng trường đến câu chuyện vành đai xanh cho các đô thị, soi vào thực tiễn phát triển các đô thị ở Việt Nam, dễ nhận thấy, tất cả chỉ là những mong muốn. Bởi lẽ, khi mà các ý tưởng, đề xuất mới dừng lại là một mầu xanh trên bản vẽ quy hoạch và vài dòng thuyết minh thì số phận của nó rất mong manh.

Nếu theo chiều hướng tốt hơn, khi mà nguồn đầu tư từ Nhà nước còn hạn hẹp, có thể, khả năng đề xuất làm một quảng trường, một công viên sẽ phải “đánh đổi” bằng việc “nhường” một khoảng đất khác để nhà đầu tư làm nhà ở hay một công trình thương mại nào khác. Còn không, khả năng dự án quảng trường, công viên hay lớn hơn là các vành đai xanh sẽ bị teo tóp, thu nhỏ lại, thậm chí, biến mất sau vài lần điều chỉnh quy hoạch.

Những mong muốn tạo dựng những khoảng không gian công cộng ở các đô thị tại việt Nam vẫn vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, quá trình chuyển đổi những thửa ruộng manh mún thành những quảng trường, công viên hay những tổ hợp sản xuất nông nghiệp quy mô hiện đại diễn ra khó khăn, phức tạp hơn nhiều quy trình lập dự án san nền chia lô, bán nhà liền kế hoặc xây chung cư cao tầng để bán “non” căn hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đề xuất mong manh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO