Môi trường

Nhu cầu xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam

Khánh Ly 17/10/2023 - 14:55

(TN&MT) - Ngày 17/10, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACE) và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF Việt Nam tổ chức Toạ đàm "Xã hội hoá công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp".

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, và các Sở/ban/ngành liên quan; Ban quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đại diện doanh nghiệp, cộng đồng địa phương...

anh-1(2).jpg
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Tọa đàm

Theo ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết: Tọa đàm nhằm thúc đẩy và phát huy vai trò của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức và mỗi cá nhân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đồng thời, nhận diện các rào cản, thách thức và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Quỹ Bảo tồn loài - WWF Việt Nam cho biết: Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đa dạng sinh học nhất thế giới. Đặc biệt, Trung Trường Sơn là nơi sinh sống của các loài quan trọng, bao gồm các loài đặc hữu, quí hiếm và các loài mới công bố. Tuy nhiên, những loài này phải đối mặt với những mối đe dọa phức tạp ngày càng tăng, bao gồm nặ săn trộm, đặt bẫy trên diễn rộng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển cơ sở hạ tầng và tác động lan rộng của biến đổi khí hậu.

anh-2(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Quỹ Bảo tồn loài - WWF Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Để bảo tồn các loài quan trọng, WWF đang nỗ lực hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thực hiện quản lý và triển khai các giải pháp bảo tồn hiệu quả. Đồng thời, đóng góp cải thiện khuôn khổ pháp lý, hợp tác quốc tế, chính sách, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và tuyên truyền thay đổi hành vi xã hội trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã. Song hành với WWF còn có rất nhiều tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi xác định, cộng đồng địa phương là những người đồng hành quan trọng. Tuy nhiên, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nếu chỉ làm việc với các cơ quan, tổ chức bảo tồn, cộng đồng là chưa đủ. Hoạt động bảo tồn đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng khác nhau. Nỗ lực toàn cầu được thống nhất trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh -Montreal tháng 12/2022 đã xác định rằng, chỉ thông qua cách tiếp cận “toàn xã hội”, đảm bảo sự đại diện và tham gia đầy đủ, công bằng, hiệu quả, có trách nhiệm về giới, chúng ta mới có cơ sở thực hiện mục tiêu bảo tồn và đảm bảo cho sự thịnh vượng của thiên nhiên và con người trong tương lai” – ông Nguyễn Văn Trí Tín cho biết.

anh-4.jpg
Các đại biểu thảo luận về các hoạt động trong bảo tồn đa dạng sinh học cần đẩy mạnh xã hội hóa

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học, theo TS Nguyễn Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên và đa đạng sinh học.

Đối với ngành này, nguồn nhân lực triển khai các hoạt động thực tiễn rất quan trọng, tiếp đó tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, kỹ năng vận động tài trợ và uy tín của tổ chức. Có rất nhiều vấn đề cần xã hội hóa chứ không riêng nhu cầu tài chính.

anh5.jpg
Các đại biểu trao đổi đề xuất giải pháp hành động nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ chính sách đến thực tiễn

Thách thức lớn nhất là cộng đồng nhận thức chưa đầy đủ về xã hội hóa, ngay cả khái niệm về xã hội hóa cũng chưa thống nhất. Riêng đối với người dân, cần giúp họ hiểu rõ những lợi từ công tác bảo tồn động vật hoang dã nói riêng hay bảo vệ môi trường nói chung. Họ từ người hưởng lợi sẽ dần trở thành đối tác, và sau đó là chủ thể tham gia tích cực vào các hoạt động này.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi thông tin về nhu cầu xã hội hoá công tác bảo tồn, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp cư dân trong xã hội, tăng cường sự tự nguyện tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học; các giải pháp thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH và Công ước Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh – Montreal; các công cụ chính sách, cơ chế dựa vào thị trường để thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

_mg_1935.jpg
Quang cảnh tọa đàm

Đại diện các tổ chức bảo tồn thiên nhiên cũng chia sẻ về kinh nghiệm kết nối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn với cộng đồng và doanh nghiệp; các chính sách khuyến khích cần thiết để đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đây sẽ là những gợi ý có cho các cơ quan, tổ chức đưa ra các giải pháp, sáng kiến phù hợp với thực tiễn hoạt động của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO