Nguyên nhân chính là do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5 - 10 USD/tấn tùy chủng loại. Điều này dẫn tới các hộ tiêu thụ như: Điện, xi măng, hóa chất, thép chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung cầu thay đổi nhanh. Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.
Nói về giải pháp, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết, TKV đã triển khai nhiều biện pháp như: Huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu (trên 0,5 triệu tấn than các loại) để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, trong đó, đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1. Ngoài ra, TKV cũng điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai.
“Đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch tiêu thụ năm 2018 Hội đồng Thành viên đã giao. Đối với than cung cấp cho sản xuất điện, Tập đoàn thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết với các Nhà máy điện” - ông Trung cho biết.