Nhọc nhằn nghề nón lá gần 200 tuổi

02/05/2018 23:05

(TN&MT) – Cách đây khoảng 10 năm, nếu có dịp về ghé thăm xã Trường Giang (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) ta dễ dàng bắp gặp hình ảnh bà con nơi đây ai ai cũng thi nhau làm nón, có những thời điểm toàn xã có 935 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, cho ra thị trường 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm. Đến nay, có dịp quay lại nơi đây, tiếng gọi nhau í ới, tiếng nói cười rôm rả, màu trắng của nón lá phủ đầy đường làng, ngõ xóm đã không còn nữa, tiềm ẩn nguy cơ mai một.

Đã qua thời hưng thịnh

Về với Trường Giang những ngày nắng đầu hè, dạo quanh một vòng, hình ảnh nhà nhà, người người làm nón đã không còn nhiều như xưa. Cứ cách khoảng dăm ba nhà thì mới có một nhà làm nón, trước đây làm nón được xem là một nghề phụ do mang lại thu nhập thấp, năm 2000-2010 nhu cầu của thị trường tăng cao thì làm nón đã trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, đó cũng là thời điểm hưng thịnh nhất, với hơn 3.300 lao động, giá trị thu nhập ước tính 80 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 85% lao động nông thôn. 
 

Người thợ làm nón đòi hỏi phải tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Người thợ làm nón đòi hỏi phải tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến may hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường đều phải trải qua những công đoạn tỉ mỉ, cẩn thận. Vì thế, trong các làng nghề làm nón, sự phân công lao động được thể hiện rất cụ thể, người làm khung, người chuốt vành, người may nón... mỗi người một việc rất chuyên nghiệp. Chính nhờ sự tỉ mỉ, trau chuốt trong từng công đoạn cùng với đôi bàn tay khéo léo, cầu toàn của người thợ đã tạo nên thương hiệu nón lá Trường Giang bền, đẹp và được sự ưa chuộng của nhiều người trên cả nước.

Vừa thoăn thoắt đôi bàn tay khâu nón, bà Nguyễn Thị Vinh (thôn 7, 57 tuổi), chia sẻ: Ngay từ nhỏ đã được bố mẹ dạy lại cách làm nón, trước đây ở xã Trường Giang hầu hết nhà ai cũng làm, có nhà 6,7 người làm, thợ lành nghề nếu tập trung làm thì một ngày cũng được 3-4 chiếc, cho thu nhập từ 2-3 triệu. Giờ thì nhiều việc làm nên nhiều người không làm nón nữa, họ tìm những công việc ổn định hơn ở các công ty.
 

Hình ảnh 4-5 thợ làm nón trong một cơ sở rất khó bắt gặp ở xã Trường Giang.
Hình ảnh 4-5 thợ làm nón trong một cơ sở rất khó bắt gặp ở xã Trường Giang.

Theo như các cụ cao niên trong xã kể lại, trước đây khi mới 5 tuổi đã được bố mẹ dạy cách làm nón, thời điểm hưng thịnh thì từ đường làng, ngõ xóm, sân đình, dưới gốc cây...đâu đâu cũng bắt gặp các bà, các cô, các em nhỏ tay thì làm nón, miệng thì cười đùa, quây quần bên nhau, không khí sôi nổi và hăng say lao động vui như lễ tết. Nhưng đến nay, chủ yếu là người lớn tuổi làm nón ở trong nhà, các cháu nhỏ khi đi học về cũng tranh thủ làm nhưng không được như trước kia nữa.

Thiếu phương án bảo tồn

Được biết, năm 2014, làng nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống; năm 2015, sản phẩm nón lá Trường Giang vinh dự lọt top 100 thương hiệu nổi tiếng cả nước; năm 2016 sản phẩm cũng đã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể và từ đó Hiệp hội nón lá Trường Giang được thành lập.
 

Ông Nguyễn Văn Hùng đang tâm sự những trăn trở về nghề làm nón.
Ông Nguyễn Văn Hùng đang tâm sự những trăn trở về nghề làm nón.

Có thâm niên làm nón hơn 40 năm, ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 3, xã Trường Giang), tâm sự: Làm nón hiện nay, khó khăn nhất là khâu nhập nguyên liệu, nguyên liệu dùng để làm nón là lá dừa nước, lá cọ chủ yếu được mua lại của thương lái ở Miền Nam, có khi tận Campuchia, Lào. Sau khi hoàn thành, giá của mỗi chiếc giao động từ 30-50.000đ/cái, sau khi trừ chi phí thì thu về 60-100.000đ/ ngày, bà con nơi đây chủ yếu tự làm theo hộ gia đình, sản phẩm làm xong thì mang ra chợ Đình bán cho thương lái ở Hà Tây hoặc tự tìm chỗ bán.

Ông Hùng chia sẻ thêm, hồi trước trẻ nhỏ nếu dạy tầm 3-5 ngày là làm được nón, bây giờ nếu như không dạy nữa thì coi như mất nghề, vì trong tương lai, đám trẻ sẽ chọn nghề khác chứ không phải ngồi một chỗ làm nón nữa.
 

Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2016.
Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2016.

Ông Lê Công Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Giang, bày tỏ sự trăn trở: Nghề làm nón ở địa phương được hình thành cách đây gần 200 năm, trên địa bàn hiện nay có 7/11 thôn làm nón, mặc dù năm 2014, làng nghề nón lá Trường Giang được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng trong xã vẫn chưa có phòng trưng bày sản phẩm. Hiện tại khó khăn nhất của địa phương trong việc duy trì và phát triển làng nghề là kinh phí, năm 2016 Hiệp hội nón lá Trường Giang đã đăng ký thành công nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, hiện tại địa phương đã có logo để in lên sản phẩm, tuy nhiên do kinh phí mỗi lần in thì chi phí sẽ mất từ 3.000-5000đ/cái, việc in dấu đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, vì vậy bà con ít làm.

Mặc dù nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống và từng tham gia nhiều hội trợ, triển lãm, tuy nhiên hiện nay nghề làm nón ở xã Trường Giang sản xuất chưa tập trung, không có tổ chức; chưa có kiểm soát kỹ thuật và mỹ thuật nên chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế; giá trị sản phẩm chưa cao; quy trình quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ chưa định hình và thống nhất; việc tiêu thụ sản phẩm còn mang tính tự túc, tự phát… Đây cũng là rào cản, khó khăn trong việc bảo tồn làng nghề, thiết nghĩ UBND xã Trường Giang, huyện Nông Cống cần có phương án, kế hoạch cụ thể, hiệu quả để duy trì, phát huy và bảo tồn giá trị của làng nghề nón lá Trường Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn nghề nón lá gần 200 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO