Xã hội

Nhớ thương khoai sọ nương Trạm Tấu...

Thanh Ngà 17/05/2023 - 10:07

Vài năm trước, nếu ai có dịp dừng chân Trạm Tấu, ít nhiều sẽ mua mấy món măng sặt, chè shan, nếp cẩm làm quà. Gần đây, danh sách đặc sản Trạm Tấu còn thêm món khoai sọ nương. Khoai sọ nương Trạm Tấu giờ không chỉ gây nhớ thương cho ai đã từng một lần nếm thử, mà còn là cây giảm nghèo trên vùng đất khó.

Củ khoai trở thành đặc sản

Trở lại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái vào tầm này, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi một màu xanh mát mắt phủ tròn trịa lên cánh đồi. Ở những vùng núi cao hơn, nếu hình dung, những triền khoai thoai thoải không khác gì chiếc váy xanh ngọc ngà của nàng công chúa trong truyện cổ tích. Gió lên, thảm xanh rập rờn, từng phiến lá khẽ lay động. Giàng Páo Lồng (người thôn Mù Thấp, xã Bản Mù) chợt nói rất nhỏ tưởng chừng như anh quên mất sự có mặt của tôi bên cạnh: “Vụ mùa này chắc chắn bội thu, có phải không người anh em”.

241286712_131587675860786_5581141141443688060_n.jpg
Sản phảm khoai sọ Trạm Tấu trở thành đặc sản

Năm nay nhà anh Giàng Páo Lồng – Thôn Mù Thấp, xã Bản Mù có diện tích trồng cây khoai sọ vào diện nhất, nhì của huyện với hơn 1ha. Hỏi về cây khoai sọ anh Lồng kể, cây khoai sọ vốn là cây trồng bản địa từ xa xưa, bà con trồng để lấy củ ăn qua ngày. Đất ở đây không phải trồng cây gì cũng lên và được ăn, vì toàn đồi núi dốc, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì khô nóng. Ấy thế, mấy năm gần đây đến mùa khoai sọ nhiều người đến tận thôn, đến bản hỏi mua khoai sọ về làm quà, rồi thương lái dưới xuôi lên tận nương thu mua. Nhờ đó, mà khoai trồng đến đâu là bán hết đến đó, lại được giá cao, hơn chục nghìn một ki-lô-gam.

Tôi bật cười với cách anh nói chuyện với cây. Anh thấy tôi cười thì ngượng ngịu quay lại phân trần: “Nói thật mà. Nhờ cây trồng này mà nhiều người trong thôn trong bản không chỉ đẩy được cái đói, cái nghèo đi mà còn tích cóp làm giàu đấy”.

Nói rồi, Giàng Páo Lồng kể, cây khoai sọ vốn là cây trồng có mặt ở Trạm Tấu từ rất lâu rồi, bà con bản địa trồng là để lấy củ ăn qua ngày thế nên diện tích trồng cũng chỉ lỗ đỗ thôi, mỗi nhà dặm lấy vài khoảnh, gọi là tạm đủ dùng cho gia đình.

Những năm ấy, tỷ lệ đói nghèo Trạm Tấu rất cao, thậm chí có thời điểm lên đến trên 70% hộ. Không phải vô cớ mà người ta gọi vùng đất Trạm Tấu là đất khó. Với địa hình đồi dốc, không phải trồng cây gì cũng lên được, nhiều loại cây khó lòng cho năng suất cao, cộng thêm khí hậu mùa đông thì lạnh, mùa hè thì khô nóng khiến cây trồng bị ảnh hưởng. Vì thế, ngoài những thứ đặc sản như nếp nương… thì ít có cây nào tham gia vào đội cây chủ lực để chống lại đói nghèo.

Nhớ lại những năm đầu bắt tay vào trồng cây khoai sọ, anh Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trầm ngâm chiêm nghiệm: “Người ta bảo hạnh phúc không phải ở đâu xa lạ, hạnh phúc ở ngay bên cạnh chúng ta, miễn là chúng ta có nhận ra và đánh thức nó hay không mà thôi. Cái cây khoai sọ ở Trạm Tấu cũng thế, nó gắn bó với mình bao năm, giúp bà con lúc đứt bữa, nó thơm nó bùi như thế mà mãi mình mới nhận ra điều đó”.

213751lanh20dao20huyen20doan20tram20tau-1627750557518-16277505603921178443362.jpg
Trồng cây khoai sọ giúp mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với các cây trồng khác

Với quyết tâm "đánh thức" tài nguyên đất và để người dân có cuộc sống ấm no, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất, đưa cây trồng có năng suất, chất lượng cao lên nương, biến sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong đó, cây khoai sọ là một loại cây trồng vốn rất thân thuộc với nương, ruộng của bà con nay trở thành sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng của huyện vùng cao Trạm Tấu.

Nghe anh Giàng Páo Lồng nói chuyện trồng cây khoai, vợ anh Lồng kể, trước nghe cán bộ nói trồng khoai sọ để làm giàu thì buồn cười lắm, vì nghĩ cây khoai sọ ở đây trồng bao đời rồi, giàu được chả đến lượt mình... Đúng là bây giờ mở điện thoại ra thấy nhiều người ở ngoài huyện mình đăng bán khoai sọ trên mạng xã hội. Bảo sao mấy năm nay khoai sọ Bản Mù làm đến đâu hết đến đấy, lại được giá cao. Vậy là năm nay mình yên tâm trồng rồi.

Những năm trước nhà anh Lồng trồng khoảng 350m2 khoai sọ đến khi thu hoạch thấy tư thương lên tận bản mua với giá 15.000 đồng/1kg, tổng thu được 7 triệu đồng. So với diện tích trồng lúa nương trước đây thì cây khoai sọ tăng gấp 4 lần. Năm nay, gia đình anh đã mạnh dạn trồng cả ha khoai sọ, mong cây phát triển tốt để cuối năm nhà anh Lồng mua thêm cái ti vi mới.

Bản Mù nay đã là bản sáng

Năm nay gia đình Giàng Páo Lồng mạnh dạn trồng 1 ha khoai sọ. Nhà neo người nên cán bộ thôn huy động người đến trồng giúp, lại có cả họ hàng người thân giúp nữa. 1 ha có nghĩa là năm nay nhà Giàng Páo Lồng có diện tích trồng cây khoai sọ vào diện nhất, nhì của huyện. Lồng lẩm nhẩm tính nhanh rồi phấn khởi nói với tôi: “Với 1ha trồng cây khoai thì nhà Páo Lồng cũng không khó thu về khoảng 10 - 12 tấn củ, dễ cầm chắc trong tay cả vài chục triệu đồng đó”.

Thấy Giàng Páo Lồng hồ hởi nói chuyện trồng cây khoai, vợ anh cũng vui vẻ góp chuyện. Chị bảo: “Trước nghe cán bộ nói trồng khoai sọ để làm giàu thì buồn cười lắm, vì nghĩ cây khoai sọ ở đây trồng bao đời rồi, giàu được chả đến lượt mình... Chả hiểu cán bộ vận động chồng thế nào, rồi xã bảo nếu thiếu vốn làm ăn lớn thì trên sẽ cho vay vốn, thế là ưng cái bụng làm luôn. Mấy năm trước nhà trồng khoảng 350m2, đến khi thu hoạch thấy dưới xuôi lên tận bản mua những 15 nghìn đồng 1 cân, thu được 7 triệu đồng. Cầm tiền rồi thì tin cán bộ nói đúng. Năm nay mình mạnh dạn trồng cả héc ta khoai sọ, mong cây phát triển tốt để cuối năm dôi dư tiền mua thêm cái ti vi mới”.

ong-duy-du-cuoi-tuan-cung-dan-tai-xa-ban-mu.mp4.00_00_32_02.still004.jpg
Huyện Trạm Tấu tích cực tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây khoai sọ

Như sợ tôi chưa tin, chị mở điện thoại ra cho tôi xem rồi “thuyết minh”: “Bây giờ mở điện thoại ra thấy nhiều người ở ngoài huyện mình đăng bán khoai sọ trên zalo lắm. Bảo sao mấy năm nay khoai sọ Bản Mù làm đến đâu hết đến đấy, lại được giá cao. Thế nên năm nay mình yên tâm trồng nhiều thế đó”.

Anh Giàng A Chỉnh ở cùng thôn Mù Thấp, xã Bản Mù với Giàng Páo Lồng. Năm nay gia đình anh Chỉnh trồng 200kg khoai sọ giống tương đương khoảng 0,2ha. Trên diện tích nương này vụ trước, gia đình anh cũng trồng khoai sọ nhưng trồng với diện tích ít hơn, một phần diện tích để trồng lúa nương. Thế nhưng, so với diện tích trồng lúa nương thì cây khoai sọ cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần. Hiệu quả kinh tế cao hơn, lại ít phải chăm sóc nên vụ này anh quyết định mở rộng diện tích trồng cây khoai sọ.

Là xã có diện tích khoai sọ lớn nhất huyện và chất lượng khoai cũng ngon nhất, vì vậy Bản Mù được coi là thủ phủ khoai sọ ở Trạm Tấu. Năm 2023 này, xã Bản Mù lên kế hoạch trồng 130ha khoai sọ. Vì thế nên ngay từ cuối năm 2022, xã đã giao chỉ tiêu trồng khoai sọ cho tất cả các thôn, trong đó thôn trồng nhiều nhất là thôn Mù Thấp với 40ha.

Chủ tịch xã Bản Mù Giàng A Chang kể rằng, cái Tết năm 2023 là cái Tết xã bận rộn nhất vì trước và ngay sau Tết phải dành thời gian để chuẩn bị cho vụ mùa ra quân trồng khoai đầu năm. Để bà con trồng khoai đúng kỹ thuật, mang lại năng suất cao, xã vận động người dân chủ động nguồn giống sẵn có tại địa phương, rồi chuẩn bị quỹ đất, hướng dẫn và hỗ trợ phân bón để ngay khi vào thời vụ là trồng khoai luôn. Nhờ đó, xã đảm bảo đủ toàn bộ lượng giống để trồng hết diện tích đất theo kế hoạch.

ong-duy-du-cuoi-tuan-cung-dan-tai-xa-ban-mu.mp4.00_01_56_20.still011.jpg
Năm 2023 toan huyện  trồng 600ha cây khoai sọ

Đã qua rồi những năm tháng khó khăn, Bản Mù giờ đây trở thành “điểm sáng” của Trạm Tấu trong phong trào thoát nghèo từ cây khoai sọ. Từ “điểm sáng” Bản Mù, huyện đã mang ra làm gương để thuyết phục các địa phương khác làm theo, nhân rộng diện tích khoai sọ trên toàn huyện. Năm 2021, diện tích trồng khoai sọ của huyện Trạm Tấu là 200ha, năm 2022, diện tích này tăng lên gấp đôi:g 400ha, đến năm 2023 thì huyện đã đưa diện tích trồng khoai sọ thành 600ha.

Đồng nghĩa với việc hàng loạt nhiệm vụ cũng được đặt ra, trong đó, quan trọng nhất là triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi giống cây trồng. Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu Nguyễn Anh Tuấn bảo: “Sơ sơ mấy đầu việc vậy thôi, nhưng đi vào thực hiện là cả một chặng đường dài bền bỉ đồng hành với dân, tuyên truyền để dân hiểu dân tin, mà muốn dân hiểu dân tin thì phải có làm điểm, Bản Mù là một trong những địa phương thí điểm để thuyết phục các địa phương và bà con thay đổi”.

Điều này đã và đang đi đúng chủ trương của huyện, bởi huyện đã xác định khoai sọ là 1 trong nhóm cây trồng chủ đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập bền vững cho người dân, để không chỉ giảm nghèo mà còn làm giàu từ khoai sọ. Vì thế, năm 2020, huyện đã hoàn thành thủ tục để khoai sọ nương Trạm Tấu được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 373024 tại Quyết định số 10463/QĐ-SHTT ngày 10/12/2020 tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm khoai sọ nương.

Chia tay Trạm Tấu, tôi nhớ mãi hình ảnh Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Anh Tuấn xoay xoay củ khoai tròn như quả trứng gà so, đưa lên ngắm nghía rồi gật gù: “Cây khoai sọ nương Trạm Tấu là giống khoai đặc sệt bản địa, cây thấp, củ tròn, vỏ mỏng, ăn dẻo, đậm thơm và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong quá trình trồng, chăm sóc, bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên trồng cây khoai sọ còn có thêm lợi ích bảo vệ đất. Theo giá bán hiện nay, mỗi kg khoai sọ dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng, năng suất đạt từ 9 đến 11 tấn/ha và trừ chi phí ban đầu, mỗi ha khoai sọ đem về cho nông dân từ 40 - 50 triệu đồng/vụ. Cứ thế này thì đói nghèo không dám ở lại Trạm Tấu đâu, nhà báo ạ”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ thương khoai sọ nương Trạm Tấu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO