Nhiều rào cản đối với doanh nghiệp khai khoáng

12/07/2013 00:00

Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Phó trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), doanh nghiệp hoạt động trong nghề khai thác mỏ tại Việt Nam đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề khó khăn để có thể tồn tại và phát triển. Không ít doanh nghiệp đã phải chịu thiệt hại, song bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó để tự cứu mình.

Đối mặt nhiều rào cản

Hiện nay, một số DN đầu tư vào chế biến sâu phải đối mặt với thách thức lớn từ việc tăng thuế. Khi Bộ Tài chính nâng thuế suất thuế xuất khẩu xỉ titan lên 15% (năm 2010), nhiều DN như Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), Công ty cổ phần Khoáng sản Biotan và Công ty cổ phần Thương mại khoáng sản Bình Định (BMC) đã phải tạm ngừng sản xuất, vì bị lỗ. Mãi đến năm 2011, khi thuế suất được điều chỉnh xuống 10%, thì SQC mới mở cửa tiếp tục sản xuất.

Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, DN khoáng sản lại càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn do các khoản vay dài hạn, trong khi các ngân hàng trong nước thường rất hạn chế trong việc cấp các khoản vay dài hạn lớn cho DN. Trong năm 2012, 3 DN khoáng sản niêm yết là Tổng công ty cổ phần Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (KSD), Tổng công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) và Công ty cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) rất nỗ lực huy động vốn qua phát hành riêng lẻ, nhưng đều bất thành.

Việc quản lý thị trường và cấp phép mỏ đang bị phân tán. Các DN có năng lực mạnh, đầu tư bài bản rất khó cạnh tranh với những DN tại địa phương trong việc tiếp cận mỏ. Trong khi đó, các DN địa phương chỉ khai thác nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thường không tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ môi trường vẫn dễ dàng có giấy phép khai mỏ. Sự thất bại của Tập đoàn Sunway - một tập đoàn dày kinh nghiệm về nghề mỏ của Malaysia, với hơn 10 năm làm mỏ ở Việt Nam, là minh chứng cho hình thức cạnh tranh này.

Thêm vào đó, Việt Nam không phải là quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thị trường khoáng sản thế giới, nên không thể tác động vào giá khoáng sản. Rủi ro biến động giá cả trên thị trường thế giới có thể làm suy sụp DN khoáng sản trong nước, kể cả những DN có tiềm lực mạnh.

Quá trình giải phóng mặt bằng cũng là một rủi ro thường trực, mặc dù đã nhìn thấy trước, nhưng đôi khi không thể khắc phục. Việc khung giá đền bù - giải tỏa liên tục thay đổi trong nhiều năm, khiến công tác này càng khó khăn hơn, vì người dân có động cơ ngồi chờ khung giá tăng. Sự thất bại của Tiberon Minerals tại Dự án Núi Pháo đã minh họa cho rủi ro này.

 

Dám đầu tư sâu sẽ thành công

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự thành công vẫn đến với những DN có tầm nhìn lâu dài, có tiềm lực và dám thực hiện đầu tư chiều sâu để dấn thân lên bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị, nhưng đầy thách thức. Điển hình có thể kể đến Dự án Luyện xỉ titan của SQC. Trở lại hoạt động từ đầu năm 2011 sau một năm ngừng sản xuất vì thuế xuất khẩu quặng titan tăng cao, SQC đã đón đầu kịp thời các thay đổi của chính sách và thị trường, nhanh chóng mở rộng khai thác, xây dựng thêm các nhà máy luyện xỉ. Kết quả là, sau 3 quý hoạt động trong năm 2012, mức lãi của SQC đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011.

Sự thất bại của Tiberon Minerals tại Dự án Núi Pháo chính là ví dụ điển hình về những khó khăn mà DN khai khoáng đôi khi không thể vượt qua. Được cấp phép từ 2004, nhưng đến quý IV/2009, Dự án vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Chỉ đến khi Masan mua lại dự án này thông qua Dragon Capital, một luồng vốn lớn trên 10.000 tỷ đồng được huy động từ nội lực và từ các định chế tài chính hàng đầu, như Mount Kellett, Standard Chartered, đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện. Hiện Dự án đang chạy thử và đến cuối năm 2013, sẽ chính thức sản xuất đại trà.

TS.Nguyễn Tú Anh cho biết, để cải thiện nền khai khoáng hiện nay, Việt Nam phải kiên trì và quyết liệt với chủ trương đúng đắn về hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô. Bên cạnh đó, một mặt, nước ta cần kiên quyết xử lý các hiện tượng xuất khẩu khoáng sản lậu, tăng nặng hình phạt đối với tội phạm này; mặt khác, phải có chính sách khuyến khích DN đã đầu tư vào ngành khai khoáng hợp nhất hoặc sáp nhập vào các DN lớn hơn, nhằm tăng tiềm lực vốn, công nghệ. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích kết nối giữa các DN đang chế biến thô với các nhà máy chế biến sâu.

T.Minh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều rào cản đối với doanh nghiệp khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO