Nhiều chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Bạch Thanh| 31/10/2020 07:21

(TN&MT) - Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2008-2020 vừa diễn ra tại tỉnh Long An, đã có nhiều địa phương trong lưu vực tích cực triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu của Đề án và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu

Chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác BVMT

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt của tỉnh Long An nối liền với sông Tiền và hệ thống sông Vàm Cỏ. Lưu lượng nước xả thải từ các hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị tại tỉnh hiện nay khoảng 54.773 m3/ngày đêm sẽ tác động lớn đến các lưu vực sông, kênh rạch tiếp nhận nguồn nước thải này nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Trong những năm qua, bên cạnh những thành quả phát triển nông - công nghiệp, thì công tác BVMT luôn được tỉnh Long An quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, bao gồm: công tác điều tra, xác định các nguồn thải; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát và hạ tầng kỹ thuật môi trường; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT...

Năm 2019, tỉnh Long An được đầu tư lắp đặt 3 trạm quan trắc không khí tự động cố định, 3 trạm quan trắc nước mặt tự động cố định và 5 màn hình LED hiển thị thông tin số liệu quan trắc tự động và khẩu hiệu về BVMT tại các huyện, thành phố trong tỉnh với tổng kinh phí đầu tư gần 83,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Long An còn đầu tư hệ thống giám sát các trạm xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp và các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 với khởi đầu theo dõi giám sát 3 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục hệ thống xử lý nước thải của 3 khu công nghiệp, sử dụng phần mềm theo dõi riêng của tỉnh.

Đến nay, đang theo dõi giám sát 33 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp; 3 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục; sử dụng phần mềm EnviSoft của Tổng cục Môi trường từ đầu năm 2020 và đã truyền số liệu quan trắc tự động, liên tục về Bộ TN&MT.

Long An quan tâm đến công tác BVMT, bảo vệ chất lượng nguồn nước các tuyến sông

Theo ông Phạm Văn Cảnh, sau một thời gian vận hành hệ thống trạm quan trắc tự động, liên tục cho thấy các hiệu quả mang lại rất thiết thực. Trong đó, theo dõi, giám sát diễn biến chất lượng môi trường tại những nơi chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhằm dự báo xu thế biến đổi và đề xuất các phương hướng quản lý, kế hoạch BVMT, khai thác hợp lý tài nguyên trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước các tuyến sông, duy trì bảo vệ không khí xung quanh là nhiệm vụ cấp thiết được tỉnh quan tâm nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cũng cho rằng, hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã hoàn thành hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Do đó, để công tác BVMT hệ thống sông toàn lưu vực trong thời gian tới được tốt hơn, tỉnh kiến nghị Tổng cục Môi trường, các tỉnh, thành giáp ranh hỗ trợ Long An sớm hoàn thiện mô-đun tích hợp camera của trạm cơ sở và mô-đun điều khiển máy lấy mẫu tự động; hoàn thiện thuật toán để thống kê truy suất được tỉ lệ nhận dữ liệu trong ngày. Ban hành quy trình bảo mật hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại cơ sở.

Đồng thời, tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh nhằm có giải pháp kịp thời BVMT giữa các địa phương; chia sẻ số liệu quan trắc môi trường tự động các tỉnh nhằm nâng cao công tác BVMT khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu

BVMT nguồn nước ở thượng nguồn

Trong khi đó, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông là một tỉnh Tây Nguyên nằm ở đầu nguồn của lưu vực sông Đồng Nai. Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác BVMT, đặc biệt là BVMT lưu vực sông trong điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 về việc phê duyệt “Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”, tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 26/2/2010 về kế hoạch triển khai đề án BVMT lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2020. Đến nay đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, đã giám sát chất thải online đối với Nhà máy Alumin Nhân Cơ và một số dự án lớn có phát sinh nhiều chất thải trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, duy trì thực hiện công tác quan trắc chất lượng môi trường nước mặt nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường để kịp thời đề xuất các giải pháp xử lý, giám sát việc ô nhiễm.

Kết quả quan trắc năm 2019 cho thấy, hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc BVMT và phát triển bền vững lưu vực sông Đồng Nai.

Cũng theo ông Trương Thanh Tùng, trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ BVMT trên lưu vực sông Đồng Nai, tỉnh Đắk Nông tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, triển khai có hiệu quả kế hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để quản lý chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa trên lưu vực sông Đồng Nai.

Tỉnh Đắk Nông luôn nâng cao ý thức tầm quan trọng của công tác BVMT nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Chủ động thực hiện có hiệu quả phòng ngừa sự cố môi trường từ các các nguồn thải lớn. Giám sát chặt chẽ các nguồn thải từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ, các bãi rác thải sinh hoạt, các trang trại chăn nuôi, các bệnh viện, trung tâm y tế có ảnh hưởng đến lưu vực sông Đồng Nai đảm bảo theo quy định.

Tiếp tục đánh giá, cập nhật và quản lý có hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn nước thải trên địa bàn tỉnh. Tận dụng các cơ hội đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật trong việc xử lý chất thải như: hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải đô thị, nước thải bệnh viện, khu tập trung xử lý chất thải rắn, mở rộng mạng lưới quan trắc quan môi trường.

Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng, sản xuất nhiên liệu sạch, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước cho các lưu vực sông, suối trên lưu vực sông Đồng Nai. Chia sẻ thông tin nguồn thải với các tỉnh thuộc lưu vực. Xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ nguồn nước với tỉnh lân cận.

Đồng thời, tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, sử dụng ổn định cơ cấu các loại rừng. Từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả diện tích đang bị lấn chiếm, khuyến khích nhân dân tham gia các mô hình nông lâm kết hợp để phát triển rừng cũng như tạo nguồn thu nhập ổn định đời sống người dân.

Ngoài ra, từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển rừng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; các cơ chế chính sách thu hút đầu tư; chính sách hưởng lợi từ rừng để tạo thêm thu nhập và việc làm cho người dân có rừng và đất rừng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nhằm thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển kinh tế rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông Trương Thanh Tùng chia sẻ, để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, giải pháp căn cơ và bền vững nhất là trồng và phát triển rừng đầu nguồn. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí nên triển khai chưa hiệu quả. Do vậy, tỉnh kiến nghị Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nghiên cứu, có cơ chế chính sách chia sẻ từ các tỉnh ở hạ nguồn có điều kiện kinh tế phát triển hơn đối với các tỉnh đầu nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO