Tiếp tục xuất hiện một dự án … “ma”
Thời gian qua, báo TN&MT đã đăng tải một số bài viết nhằm cảnh báo bạn đọc về nguy cơ bị lừa đảo bởi những “cò” đất tại dự án Hòa Lạc Lake View (thôn Linh Sơn, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) và dự án Khu dân cư Tiến Xuân Green (thôn Chùa, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội). Thế nhưng những tháng gần đây, một dự án tương tự cũng đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng internet với cái tên mĩ miều: Khu dân cư Adoland Capital 8 (tại thôn 6, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội).
Tại website chính thức của mình, chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Adoland cho biết, dự án này là một dự án đất nền phân lô với diện tích 4.500 m2, được chia thành 45 lô đất và được cam kết tính pháp lý là 100% đất ở lâu dài. Trên một số diễn đàn bất động sản, dự án Adoland Capital 8 được giới thiệu với những lời có cánh như: “nằm cạnh KĐT Phú Cát City”; “nằm trong không gian với các resort cao cấp như Xanh Villas, Sunny Light Villas”; “cơ hội đầu tư an toàn sinh lời tới 70% – 80% chỉ trong 2 đến 3 năm” …
Tuy nhiên khảo sát thực tế của PV tại thôn 6, xã Phú Cát thấy rằng, dự án mĩ miều nói trên thực chất chỉ là một khu đất trống không. Người dân quanh khu vực cho biết, khu đất này là đất trồng cây lâu năm của một cá nhân nhưng thời gian qua xuất hiện tấm biển ghi là Khu dân cư Adoland Capital nhưng chưa thấy hoạt động xây dựng.
Tại biên bản làm việc ngày 10/6/2019 với UBND xã Phú Cát, đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Adoland cho biết, công ty chỉ phối hợp với chủ đất là bà Nguyễn Tường Vy để quảng cáo và giới thiệu khách mua đất chứ công ty không tự phân lô, bán nền. Tuy nhiên UBND xã Phú Cát cho biết, khu đất được quảng cáo là Khu dân cư Adoland Capital 8 là đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích là 4.567 m2 và chỉ có 400 m2 là đất ở. UBND xã Phú Cát yêu cầu công ty không được tự tiện đăng tải thông tin rao bán đất và môi giới bán đất trên mạng internet để tránh gây hiểu nhầm cho người mua. Nếu công ty muốn phân lô, bán nền thì phải tiến hành xin chuyển mục đích sử dụng đất và khi đã đủ điều kiện theo các quy định của pháp luật thì mới được thực hiện.
Trao đổi với PV báo TN&MT, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó phòng TN&MT huyện Quốc Oai khẳng định: “Đấy là đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân và đến thời điểm này UBND huyện chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tôi đã làm việc với UBND xã và hộ gia đình đó nên tôi khẳng định là khu đất trên không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi vì theo quyết định 6660 của UBND TP. Hà Nội thì khu vực đó được quy hoạch là đất cây xanh. Thứ hai là UBND huyện cũng không cấp phép cho bất kỳ dự án nào như vậy nên người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa”.
Những dấu hiệu nhận biết
Trao đổi với PV báo TN&MT, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty BĐS Đất Lành cho biết: “Việc các dự án bất động sản ma xuất hiện ồ ạt ở khu vực phía Nam những năm vừa qua không còn quá xa lạ với báo chí và dư luận. Hiện một số dự án ma xuất hiện ở thị trường bất động sản phía Bắc có lẽ là điều có thể đoán được trong bối cảnh thị trường phát triển khá nóng như hiện nay. Đặc điểm nổi bật của dự án ma là không có cơ sở pháp lý. Thường thì nguồn gốc đất các dự án đó là đất nông nghiệp hoặc đất vướng vào quy hoạch không được lập dự án cũng như không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bản chất của các dự án đất nền là người mua được xây nhà để ở nhưng với loại đất không rõ ràng về mặt pháp lý như vậy thì độ rủi ro là cực cao”.
“Dấu hiệu nhận biết thứ hai của dự án ma là pháp nhân không rõ ràng. Đó có thể là đất của cá nhân, hộ gia đình hoặc của một công ty được ủy quyền, hoặc một công ty con của công ty nào đó. Họ sẽ vẽ ra một viễn cảnh tuyệt vời về dự án để thuyết phục người mua nộp tiền nhưng lách luật bằng nhiều hình thức như: hợp đồng đặt cọc; hợp đồng thỏa thuận đặt mua; hợp đồng làm dịch vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất … Thường thì người mua sẽ phải nộp trước 90% tổng số tiền giao dịch cho chủ đầu tư và chờ đợi. Được thì ăn, thua thì chịu. Thêm dấu hiệu nữa là các chủ đầu tư tạo ra những hạ tầng ảo. Họ sẽ tạo ra những hạ tầng để người mua nhìn vào trông giống hệt một dự án thực thụ đang triển khai. Họ có thể quây tường, dựng cổng, rải nhựa mỏng thành đường đi, xây một hai hàng gạch để phân từng lô đất … nhằm bẫy người mua và tạo niềm tin” – vị chuyên gia này chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đực cũng cảnh báo: “Thực tế đã cho thấy quá nhiều bài học cay đắng về những dự án ma nhưng không ít người dân vẫn bị mắc lừa. Thứ nhất bởi họ không có thông tin, tiếp đến là khả năng tung hỏa mù của nhiều chủ đầu tư rất tài tình. Tôi cũng không loại trừ một số đơn vị còn có quan hệ với lãnh đạo địa phương và có thể làm được điều này điều kia nên dù biết là rủi ro nhưng nhiều người vẫn chấp nhận. Tôi nghĩ nếu không có biện pháp cảnh báo và ngăn chặn thì thị trường bất động sản ngoài Bắc sẽ xuất hiện nhiều dự án ma hơn nữa trong thời gian tới”.