Nhận diện đầy đủ thực trạng từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo bền vững, lãnh đạo huyện An Lão (tỉnh Bình Định) xác định, từng địa phương phải nắm chắc, nhận diện đầy đủ về thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành viên của hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, khả thi nhằm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tùng Lâm – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện An Lão về kết quả và định hướng của huyện trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững thời gian tới.
PV: Xin ông cho biết đôi nét khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện An Lão? Điều kiện tự nhiên, xã hội này có tác động ra sao đến việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện?
Ông Đỗ Tùng Lâm:
An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định, có tổng diện tích đất tự nhiên 69 ngàn ha, cách trung tâm tỉnh 120 km. Phía Bắc giáp huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi); phía Nam giáp huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh; phía Đông giáp huyện Hoài Nhơn; phía Tây giáp huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) và huyện Kờ Bang (tỉnh Gia Lai). Huyện An Lão có 9 xã, 1 thị trấn, trong đó có 8/10 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 9.500 hộ, hơn 33 ngàn nhân khẩu, 3 dân tộc chính: Kinh, Hre và Bana, người dân tộc thiểu số chiếm gần 40%.
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, An Lão đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với giảm nghèo bền vững với phương châm "Tập trung huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội "... Nhờ sự quan tâm đó, nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân An Lão, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều sự đổi mới.
Tuy nhiên, nhìn chung, kinh tế - xã hội của huyện, đời sống của bà con cũng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Giai đoạn 2021-2025, An Lão là huyện nghèo duy nhất của tỉnh; hiện huyện đang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, huyện cũng được hưởng chính sách hỗ trợ cho huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025 (Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong những năm qua?
Ông Đỗ Tùng Lâm:
Là huyện còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, do vậy trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ, bám sát các văn bản của Trung ương, của tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy; UBND huyện, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Đề án thoát nghèo và Kế hoạch thực hiện các mục tiêu đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo vào năm 2025 .
Có thể khẳng định, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cùng với các Chương trình MTQG huyện đã và đang được thụ hưởng đã tác động tích cực đến hộ nghèo, người nghèo; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư hoàn thiện, kết nối; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực, đời sống vật chất tinh thần người dân được cải thiện.
Trong giai đoạn 2021-2024, huyện An Lão được Trung ương, tỉnh phân bổ gần 200 tỷ đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Huyện đã đầu tư các công trình để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên xã, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Giao vốn cho xã xây dựng hơn 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với gần 500 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia và 2 dự án liên kết chuỗi cho gần 70 hộ tham gia. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho 1.400 lao động, giải quyết việc làm mới cho gần 1.500 lao động, đưa 63 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hỗ trợ cho 686 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các dự án từ khác, hạ tầng nông thôn của huyện ngày càng được hoàn thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, khang trang. Nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu và đặc thù sản xuất của từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thay đổi tập quán, thói quen sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, cho thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Cụ thể, từ năm 2021-2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm bình quân hàng năm là 10,58% với 2.722 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Trong đó, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 55,33%. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 11,86% so với tỷ lệ nghèo đầu kỳ, còn 43,47%. Năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 13,72% so với năm 2022, còn 29,75%. Dự kiến năm 2023, 2024 bình quân tỷ lệ nghèo đa chiều hàng năm giảm 9% trở lên, phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 6%.
PV: Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra qua quá trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, thưa ông?
Ông Đỗ Tùng Lâm:
Từ thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, huyện rút ra được một số bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trước tiên, phải xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác giảm nghèo phải giữ vị trí trọng tâm, mang tính dẫn dắt, quy tụ các nguồn lực để hỗ trợ cho việc thực hiện công tác giảm nghèo. Sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo. Phải nắm chắc, nhận diện đầy đủ về thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành viên của hộ, để có giải pháp hỗ trợ khả thi, phù hợp với từng hộ, thành viên hộ theo từng nhóm nguyên nhân và chú trọng giải quyết các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Cơ chế chính sách giảm nghèo phải được triển khai đồng bộ, phân cấp mạnh cho cơ sở và người dân được tham gia bàn bạc, quyết định các nội dung thực hiện; trên cơ sở đó đại diện cộng đồng, người dân được tham gia và giám sát trong quá trình thực hiện tạo được sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Đặc biệt, phải thường xuyên đổi mới, duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo bằng những hình thức, nội dung phù hợp, đưa được các chính sách đi vào đời sống người dân, để Nhân dân hiểu rõ và tích cực hưởng ứng, tham gia.
Trong công tác quản lý nguồn lực, phải thực hiện quản lý phân bổ nguồn lực đúng quy định, sử dụng vốn đúng mục tiêu, hiệu quả; áp dụng các cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; huy động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia vào thực hiện các dự án của Chương trình, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ có đánh giá sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
PV: Vậy các mục tiêu chính trong công tác giảm nghèo bền vững của An Lão thời gian tới là gì và đâu là giải pháp chính nhằm đạt được mục tiêu đó?
Ông Đỗ Tùng Lâm:
An Lão đặt ra mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo vào năm 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2025 còn dưới 6%. Huyện cũng phấn đấu đến năm 2025 có 5 xã, thị trấn thoát khỏi đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 40 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối liên xã, phục vụ sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản…
Để đạt được mục tiêu này, huyện xác định trong giai đoạn 2024-2025, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức, để nâng cao nhận thức Nhân dân về công tác giảm nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, khuyến khích khen thưởng biểu dương những hộ tự viết đơn thoát nghèo...; vận dông hộ nghèo tích cực tham gia các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp vốn để thực hiện các dự án hỗ trợ, cam kết thoát nghèo.
Thực hiện quản lý phân bổ nguồn lực kịp thời, đúng quy định, sử dụng vốn đúng mục tiêu, hiệu quả; áp dụng các cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế; huy động các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia vào các dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của chương trình. Tổ chức đánh giá kết quả đạt được của dự án, sự tác động đến đời sống của người dân và nhân rộng các mô hình, dự án có hiệu quả, các cách làm hay sáng tạo... tạo thành phong trào phấn đấu nỗ lực đăng ký thoát nghèo. Triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo; từng địa phương phải nắm chắc, nhận diện đầy đủ về thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành viên của hộ, để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, khả thi với từng hộ nhằm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đồng thời, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo. Làm tốt công tác theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án, báo cáo kịp thời những khó khăn vướng mắc để có hướng khắc phục và biện pháp triển khai thực hiện để các Dự án phát huy hiệu quả cao nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, nâng cao thu nhập cho các đối tượng thụ hưởng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!