Nguyên Bình (Cao Bằng): Đánh thức tiềm năng du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Nguyễn Hùng| 28/01/2022 11:44

Nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình được biết đến với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ cùng nhiều cảnh quan nổi tiếng và nền văn hóa vô cùng đặc sắc, thuần hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình được biết đến với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ cùng nhiều cảnh quan nổi tiếng và nền văn hóa vô cùng đặc sắc, thuần hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hội tụ nhiều lợi thế sẵn có về du lịch, những năm qua, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã tìm những hướng đi mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi dậy các nguồn lực để đánh thức tiềm năng sẵn có của huyện.

Mảnh đất giàu “tiềm năng” du lịch

1.jpg
Xóm Hoài Khao đang trở thành một điểm đến đầy tiềm năng trên bản đồ du lịch của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng 45km, huyện Nguyên Bình là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với 13 di tích cách mạng được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó phải kể đến các di tích hang Kéo Quảng (hang Lê-nin) tại xã Minh Tâm, nơi Bác Hồ mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng; Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam; đền Ông Búa – nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của công nhân mỏ thiếc Tĩnh túc.

Nguyên Bình còn là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, hữu tình với những khu rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén còn vẹn nguyên giá trị. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ được ví như “Đà Lạt của Cao Bằng”. Nguyên Bình còn là địa điểm duy nhất thường xuất hiện băng giá trên đỉnh núi Phja Oắc thuộc xã Thành Công, thu hút nhiều du khách hiếu kỳ đến tham quan thưởng ngoạn. Vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mang đậm nét hoang sơ cùng nhiều dấu tích của các nhà nghỉ khu biệt thự của người Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng về du lịch, huyện Nguyên Bình đã xây dựng Chương trình Phát triển dịch vụ - du lịch vùng Phja Oắc - Phja Đén giai đoạn 2020 – 2025, đến năm 2035 và nội dung đột phá xây dựng hạ tầng dịch vụ, du lịch Phja Oắc - Phja Đén.

Đến nay, một số hạng mục đầu tư đã hoàn thiện, đưa vào quản lý, khai thác Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành; kết nối với khu nhà Tường trình của nhóm hộ Nà Rẻo, xóm Tam Hợp, xã Thành Công; điểm ngắm cảnh trải nghiệm vườn trúc sào tại xóm Bản Phường, xã Thành Công; điểm tham quan vọng cảnh trên đỉnh Phja Oắc 1.931m. Việc đầu tư xây dựng các dự án trên sẽ tạo thành chuỗi du lịch vùng Phja Oắc – Phja Đén, kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.

Giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với bảo vệ môi trường

2.jpg
Bà con dân tộc Dao tiền xóm Hoài Khao thường xuyên tổ chức vệ sinh nhà cửa, đường làng xóm, trồng thêm nhiều hoa, cây xanh.

Trước sự đô thị hóa và phát triển xã hội hiện đại nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nguyên Bình vẫn lưu giữ, bảo tồn được bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Với 8 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao…, cùng đoàn kết chung sống đan xen, trong đó, dân tộc Dao chiếm 57,26%, tạo cho Nguyên Bình một nền văn hoá phong phú, đa sắc màu, từ không gian kiến trúc nhà, trang phục truyền thống đến văn hóa chợ phiên và lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Đây là một trong những lợi thế sẵn có để huyện hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, vừa bảo tồn được bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời tạo thu nhập cho bà con.

Tháng 10/2020, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, được huyện Nguyên Bình lựa chọn làm điểm du lịch cộng đồng. Cả xóm có 35 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Dao tiền. Bà con vẫn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống với kiến trúc ngôi nhà lợp bằng ngói âm dương, kho chứa thóc tách biệt với nhà chính, với nghi lễ cấp sắc, làn điệu Páo Dung, in hoa văn sáp ong thổ cẩm, chạm khắc bạc… Khi được trở thành làng du lịch cộng đồng, nhận thức về gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ cảnh quan, môi trường và đời sống của người dân ở Hoài Khao đã có sự đổi thay rõ nét.

Chị Bàn Thị Liên, một trong 7 hộ tham gia làm homestay của làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao chia sẻ: Được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển làng du lịch cộng đồng, bà con trong xóm đã có ý thức giữ gìn, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đường đi trong xóm phong quang, trồng thêm nhiều hoa, cây xanh và nhất là cùng giữ gìn, tạo cảnh quan thiên nhiên sẵn có của xóm cổ của mình. Gia đình tôi đang tiếp tục đầu tư sửa sang nhà cửa để đạt tiêu chuẩn, đón tiếp khách du lịch cả trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách đến với xóm Hoài Khao giảm khá nhiều, song đây lại là cơ hội để người dân có thể hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như nguồn lực con người để sớm đón khách du lịch quay trở lại.

Theo ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình cho biết: Để xây dựng làng du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã vận động người dân trong xóm chỉnh trang nhà cửa, gìn giữ và tu sửa những nếp nhà bằng gỗ riêng biệt, mang đậm bản sắc dân tộc Dao. Nhất là vận động người dân di dời chuồng trại gia súc ra khỏi khu dân cư, góp sức giữ gìn môi trường, sinh thái. Đến nay, 100% hộ gia đình trong xóm đã di dời gia súc đến nơi nuôi nhốt tập trung, môi trường, cảnh quan trong xóm trở nên thoáng đãng, xanh mát, sạch đẹp hơn rất nhiều.

3.jpg
Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Để hỗ trợ xóm Hoài Khao khai thác tiềm năng, riêng năm 2021, huyện Nguyên Bình đã hỗ trợ cho 7 hộ tại làng du lịch cộng đồng xóm, mỗi hộ 80 triệu đồng để chỉnh trang, xây dựng homestay; hoàn thiện 3 nhà đón tiếp trưng bày đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động sản xuất và một số sản phẩm thủ công truyền thống để phục vụ khách du lịch. Đầu tư làm mới các tuyến đường, xây dựng mô hình sàn cấp sắc và hoàn thành đóng điện cho các hộ gia đình trong xóm.

Cảnh quan sạch đẹp là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực trong tư duy của người dân, biết biến tài sản văn hoá thành sinh kế bền vững, vừa tạo giá trị kinh tế, vừa là động lực bảo tồn văn hoá truyền thống. Xóm Hoài Khao đang trở thành một điểm đến đầy tiềm năng trên bản đồ du lịch của huyện Nguyên Bình.

Ông Dương Hiển Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết: Huyện xác định phương châm phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh. Để phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền huyện Nguyên Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc dân tộc gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan nhằm phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú hiện có, thu hút phát triển một số cơ sở lưu trú mới, dịch vụ du lịch chất lượng cao, chú trọng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Bình (Cao Bằng): Đánh thức tiềm năng du lịch gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO