Có nguy cơ mắc các bệnh giống người hút thuốc
Hút thuốc lá thụ động là người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc nhả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó có nhiều chất gây ung thư hay chất độc hại. Việc thuốc lá thụ động cũng có thể gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Theo đó, lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.
Những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Với phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành. Mỗi năm trên thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.
Tăng cường quản lý tại các địa điểm công cộng
Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc, trong đó, quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất hạn chế, ở các khu vực công cộng, tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng này là tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam còn khá cao và ý thức tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc của nhiều người dân còn chưa cao.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, cách duy nhất để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc là phải tạo môi trường sống không khói thuốc. Muốn làm được điều đó thì trước hết người hút thuốc lá chủ động phải sớm từ bỏ thói quen hút thuốc hoặc có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, đặc biệt là tránh xa trẻ em, phụ nữ mang thai, người già. Đối với những gia đình có người hút thuốc, cần thống nhất về những quy định đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên.
Ngoài ra, để tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt công tác thuyết phục, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định cấm thuốc lá nơi công cộng. Đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Cùng với đó, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các chế tài, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; tăng cường sự giám sát của người dân, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm.