Người phụ nữ “nặng lòng” với biển

11/03/2014 00:00

(TN&MT) - Vì tình yêu với biển, bà Lê Thị Huệ ở làng biển Thanh Khê Đông (Đà Nẵng) đã đóng mới 2 con tàu “đạp sóng cưỡi gió” vươn ra những ngư trường lớn.

(TN&MT) - Vì tình yêu với biển, với người chồng quá cố, bà Lê Thị Huệ ở làng biển Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã bắt tay đóng mới 2 con tàu “đạp sóng cưỡi gió” vươn ra những ngư trường lớn.
   
Người phụ nữ được anh em đi biển gọi là “nữ tướng” làng biển.
   
  Bình minh ló rạng trên cảng cá Thuận Phước, những con tàu hối hả cập bến sau một đêm đánh bắt xa bờ làm cho bức tranh thành phố nơi “đầu biển cuối sông” càng thêm nhộn nhịp. Trở về sau chuyến hải trình ra tận Hoàng Sa, con tàu ĐNA 90521 TS, mã lực 865CV của bà Lê Thị Huệ, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đầy ắp tôm, cá, mực. Thoạt đầu mới gặp, ít ai nghĩ người phụ nữ này đã lên chức “bà” bởi bà bận quần jean, áo thun rất năng động. Đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, bà Huệ phấn khởi: “Chuyến này tàu của tui bắt được hơn 30 tấn cá các loại. Rứa là thắng lợi rồi. Trừ tổn đi cũng còn lời được ít tiền để chia cho các bạn tàu và trang trải cuộc sống”. Nhìn nụ cười tươi trên khuôn mặt đậm chất biển ấy, ít ai biết được người phụ nữ này đã phải trải qua biết bao đau thương để có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
   
Vượt qua đau thương
   
  Gần 8 năm trước, siêu bão Chanchu càn quét qua vùng biển Việt Nam đã cướp đi người chồng và phá nát gia sản của gia đình bà Huệ. Bà tâm sự: “Đó là quãng thời gian mà tui như người chết đi rồi. Không thiết ăn uống chi, sụt đi 16kg liền”. Hồi đó, với bốn chiếc được xem như một “hạm đội”, đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình bà Huệ được coi như nhất nhì ở làng cá Thanh Khê Đông. Đã vậy, ông Nguyễn Út Thanh (chồng bà) lại là một thuyền trưởng kiên cường, thường xuyên “ra vào” hai ngư trường lớn là Hoàng Sa và Trường Sa... Vậy nhưng, kết cục đoàn tàu ấy đã không thắng được cơn cuồng phong mang tên Chanchu.
   
  Khi nghe tin chồng không trở về, ngày ngày bà xuống bến mỏi mắt hướng về khơi xa ngóng chồng với niềm hy vọng ngày một cạn dần. Ông ra đi để lại cho bà 4 con thơ nheo nhóc, đứa nhỏ mới hơn 10 tuổi. Đôi vai mảnh mai của người phụ nữ ấy càng nặng gánh hơn khi số tiền 1,2 tỉ đồng mà người chồng đứng ra vay để mua sắm ngư cụ trang bị cho bốn con tàu cũng bay theo bão. Ba con tàu trở về được đất liền thì không tàu nào có thể đi biển trở lại được. “Biển không chỉ là lưới nặng cá đầy mà còn có bao nhiêu là sóng gió. Âu cũng là cái nghiệp”- bà Huệ tâm sự.
   
  Chồng chết, bạn đi tàu chết, lưới cùng ngư cụ mất, tiền lãi vay ngân hàng ngày nào cũng réo..., tất cả cùng lúc đổ ập lên người phụ nữ khổ đau ấy. Ai cũng nghĩ bà sẽ từ bỏ hoạt động đánh bắt hải sản. Nhưng rồi, khi nỗi đau mất mát nguôi ngoai, quyết tâm trở lại với biển cả cứ lớn dần trong bà.
   
  “Mỗi lần ra cảng cá, sờ vô bánh lái của tàu người ta tui lại thấy ổng hiện về, lại chảy nước mắt” - bà Huệ nói, tay vén áo lau nước mắt. Để có tiền trả nợ ngân hàng và gây dựng lại cơ nghiệp của chồng, bà quyết định bán hết cả ba con tàu nát. Số tiền được cũng chỉ vừa đủ để bà trả nợ ngân hàng và sửa sang lại căn nhà đã tan hoang sau bão. Người phụ nữ làng chài Thanh Khê ấy bỗng vùng lên mạnh mẽ như con sóng. “Đó là thời điểm khó khăn nhất. Nếu như không yêu biển, không yêu nghề, không thương chồng, thương con thì tui chắc không thể nào vượt qua được”- bà Huệ nói. Thế là, 3 năm sau, cũng trên bến cát ngày xưa ấy, bà đã thay người chồng quá cố tiếp tục đóng tàu vươn khơi, thi gan cùng sóng gió.
   
Trở về với biển
   
  Nhưng cuộc trở về với biển của bà không dễ dàng chút nào. Để có tiền đóng mới tàu ra khơi, bà Huệ phải mang sổ đỏ đi cầm cố để lấy tiền đóng tàu nhưng người ta không đồng ý. Vì thế, ban đầu, bà đóng tàu với công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Mấy năm sau, khi có được một số vốn cùng với sự hỗ trợ của thành phố, bà mạnh dạn đóng những chiếc tàu có mã lực lớn để vươn xa hơn thỏa nổi ước mong của chồng bà lúc còn sống.
   
  Đầu năm 2011, bà bán nhà để lấy hơn 1 tỉ đồng, cùng với số tiền vay mượn, địa phương hỗ trợ, bà bắt tay đóng mới con tàu gỗ mã lực 880 CV. Từ một phụ nữ bình thường của làng biển, bà dấn thân vào công việc mà trước đây người chồng đảm trách. Bà đi khắp nơi để tìm gỗ đóng tàu, đặt mua máy… những công việc đáng lẽ ra là của một người đàn ông. Rồi đến ngày chiếc tàu DNA 90422 TS mã lực 880 CV, trị giá gần 3 tỷ đồng cũng hạ thủy và liên tục thắng lớn trong những chuyến ra khơi. Ngày hạ thủy, bà lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ chồng khấn: “Ông ra đi thanh thản nghe! Tui sẽ thay ông vực dậy những con tàu”...
   
Bà Huệ tất bật bán cá cho thương lái cá mỗi khi tàu về.
   
  Không dừng lại ở đó, năm 2013 bà tiếp tục đóng mới chiếc tàu 865 CV tạo thành một cặp tàu thuộc loại “top” của Đà Nẵng. “Mình có tàu lớn đi biển có gió bão cũng yên tâm. Có gặp tàu cá Trung Quốc cũng chẳng ngại” - bà Huệ tự tin nói. Cũng theo bà Huệ, những ngư dân Đà Nẵng nhờ chính sách hỗ trợ kinh phí đóng tàu của Thành phố ra đời đúng lúc, kịp thời cung ứng tiền cho những tàu mới ra đời. Như hai tàu của bà được Thành phố hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Hai chiếc tàu đó đang tạo công ăn việc làm cho 26 lao động. Mỗi chuyến ra khơi, tàu của bà thường đi từ nửa tháng đến 1 tháng, đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Công việc của bà mỗi khi tàu về là ra bán cá, rồi lấy tổn phí cho bạn tàu. Khi tàu chuẩn bị xuất bến thì bà lo giấy tờ. “Chỉ khi nào tàu chạy ra đến bán đảo Sơn Trà tui mới quay trở về”, bà Huệ nói.
   
  Hỏi bà động lực nào để chỉ trong vòng 2 năm hạ thủy 2 tàu công suất lớn, nở nụ cười rất tươi bà Huệ tâm sự: “Âu cũng do mắc nợ với biển quá nhiều. Cha làm nghề biển, chồng nằm lại giữa biển, vì vậy mình không nỡ bỏ biển. Khó khăn, vất vả lắm, song quyết tâm làm bằng được. Thiếu tiền thì đi vay”. Bà trở lại với biển không chỉ để thỏa lòng “vươn khơi xa” của người chồng ngày nào mà còn để trả nợ cho những người bạn cùng gửi thân xác với chồng mình ở Hoàng Sa.
   
  Niềm vui của bà Huệ còn lấp lánh hơn khi anh Tư, con bà, đã học xong bằng máy trưởng. Bà nói anh Tư không chỉ là niềm hãnh diện của cả gia đình mà còn có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là phải cầm lái con tàu 880 mã lực để ra lại đúng nơi cha cùng các bạn tàu vĩnh viễn nằm xuống. Bà nói về đứa con trai duy nhất trong số bốn người con quyết định theo nghiệp biển của người cha quá cố với giọng điệu rất vui và hạnh phúc.
   
  Ông Trương Văn Hay, thuyền trưởng tàu câu mực khơi, bạn người chồng quá cố của bà Hụê, cho biết: “Tôi chỉ có một chiếc mà nhiều khi không lo đủ lao động, thế mà bà Huệ 4 chiếc lúc nào cũng đủ người để bám biển. Ngư dân chúng tôi học được ở bà nhiều thứ, ví như để có lao động, trước hết phải chăm lo chu đáo đời sống bạn làm công trên tàu và cả gia đình họ. Bà là người phụ nữ giàu nghị lực. Người khác gặp hoàn cảnh như bà, khó bề vực lên nổi. Thế mà bà Huệ, chỉ 5 - 6 năm kể từ ngày bão cướp mất chồng, mất tàu, đã đầu tư đóng mới cặp tàu công suất lớn.”
   
  Nói về bà, ông Lê Nguyên Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông cho biết: Từ lâu người dân địa phương quen gọi bà là “nữ tướng” làng chài, bởi một người đàn ông chưa chắc đã đóng được một chiếc tàu lớn như thế trong khi đó chị lại đóng được hai chiếc. Hiện tại, với cặp tàu công suất 865 CV và 880 CV, bà tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong đánh bắt hải sản.
   
  Khi chúng tôi hỏi: “Chị có ý định nghỉ nghề biển để chuyển qua nghề khác không”. Không cần suy nghĩ, bà trả lời ngay: “Không. Tui sẽ bám biển cho đến khi nào không thể đi được nữa thì thôi”. Tiếng cười giòn tươi của bà hòa vào gió gửi lòng thao thiết với biển cả, với người chồng quá cố về phía biển khơi.
   
Bài và ảnh:Lan Anh – Võ Hà
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ “nặng lòng” với biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO