Người giữ nhà cho Vọoc mông trắng
(TN&MT) - Những ngày cận Tết, chúng tôi tìm về huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) để lắng nghe câu chuyện về những người đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan và môi trường sống cho đàn Vọoc mông trắng - loài linh trưởng đặc biệt nằm trong danh sách loài bị đe dọa cực kỳ nguy cấp của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Những bước chân băng rừng, vượt núi
5 giờ sáng, tiết trời cuối đông âm u, tối mịt và lạnh buốt. Trong ngôi nhà nhỏ, chưa đợi tiếng chuông báo thức vang lên, ông Lê Văn Hiên đã thức dậy chuẩn bị cho công cuộc tuần tra bảo vệ rừng. Khoác trên vai chiếc ba lô đã bạc màu, bên trong đựng một số vật dụng thiết yếu như mì tôm, cơm nắm, muối vừng, bộ quần áo, nước… và quan trọng nhất là chiếc máy ảnh siêu zoom, cùng con dao rựa dắt ngang thắt lưng. Vậy là đủ hành trang cho “cuộc hành quân” tiến vào rừng xanh.
Nhưng có lẽ, ít ai có thể ngờ rằng, chỉ mới vài năm trước đây, ông Hiên từng là thợ săn, hay nói thẳng ra, ông Hiên là “lâm tặc” xịn.
“Vậy đâu là động lực để ông thay đổi?” - Vừa sắp xếp lại hành trang của mình, tôi ngập ngừng hỏi.
“Do cái duyên, cái số với rừng. Và… có lẽ, hơn cả là sự áy náy!”. Rồi ông tiếp lời: “Nào anh nhà báo, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện tiếp, giờ này chắc mọi người đã chờ chúng ta ở bìa rừng rồi”.
Ông Hiên sinh năm 1961, ở huyện Kim Bảng, tuổi thơ của ông gắn bó cùng những cánh rừng và các dãy núi đá vôi. Thế nhưng, trong những năm tháng chiến tranh, cuộc sống khó khăn, cơm không đủ ăn đã khiến ông trở thành một thợ săn lành nghề, một “lâm tặc” có máu mặt ở địa phương. Từ năm 17 tuổi đến 37 tuổi, 20 năm dài đằng đẵng, ông đã trở thành nỗi kinh hoàng với các loài thú rừng như sơn dương, don (nhím), tê tê, khỉ… và trong đó có cả loài voọc đã gần tuyệt chủng.
Thời điểm đó, săn bắn thú rừng này là nghề rất “hot”. Là nguồn thu nhập chính nên hầu như ngày nào ông cũng ở trong rừng. “Tôi thuộc đến từng cành cây, ngọn cỏ. Khi đó, rừng là “nguồn sống” chính của gia đình tôi” - ông Hiên nhớ lại.
Bước ngoặt đến với cuộc đời ông là vào khoảng năm 1994, lần đầu tiên ông vào rừng mà không phải để đi săn, bởi hôm ấy, ông nhận lời dẫn các đoàn điều tra, nghiên cứu về các loài động vật hoang dã, trong đó có loài voọc mông trắng.
“Lần đó, tôi dẫn đường cho chuyên gia Lê Văn Dũng đi điều tra về loài voọc mông trắng. Suốt một tuần trời không cầm đến công cụ đi săn, tôi mới có điều kiện chứng kiến cảnh những con voọc con quấn quýt bên mẹ, voọc bố dạy con kiếm ăn. Những đôi mắt đen tròn, ngây thơ, trong sáng ấy đã làm tôi day dứt và thay đổi suy nghĩ về cái nghề mà tôi cứ ngỡ sẽ gắn bó cả đời”.
Giọng ông đầy ăn năn, ông nói “Trăn trở lắm nhà báo ạ! Anh Dũng cũng khuyên tôi, nên buông súng, bởi voọc cũng như con người, có tình cảm, có sự yêu thương. Một con voọc chết cả đàn sẽ bỏ ăn, buồn rầu. Voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết. Sau chuyến đi ấy, tôi mất ngủ một thời gian dài và hối hận ám ảnh với các con mồi đã giết hại trước đây.
Sau đó, ông “rửa tay gác kiếm”, ông lăn lộn làm nhiều nghề khác nhau nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn trước, kinh tế gia đình sụt giảm, cuộc sống khó khăn hơn. Dù vậy, ông không hề có ý nghĩ quay lại nghề cũ, dù có nghèo khó đến cỡ nào cũng không săn bắn động vật hoang dã nữa.
Cơ duyên đến, cuối năm 2016, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) có mặt tại huyện Kim Bảng để thực hiện chương trình bảo tồn loài voọc mông trắng. Không chút do dự, ông Hiên tình nguyện tham gia, được cử làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng với 6 thành viên được lựa chọn từ người dân sở tại. Tất cả các thành viên có điểm chung là thông thạo, gắn bó và… yêu rừng!
Từ ngày đó, ông chủ động, cần mẫn học cách sử dụng máy ảnh, thiết bị định vị, cách chia ô rừng đánh dấu vị trí đàn voọc thu thập và tìm hiểu thông tin về loài này. Từ người thợ săn lành nghề ngày nào, giờ đây, ông đã trở thành người bảo vệ rừng thực thụ, tỉ mỉ hướng dẫn các thành viên tổ tuần tra gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật khác trong khu rừng. Khi phát hiện dấu hiệu, đối tượng tình nghi xâm hại rừng, săn bắt thú rừng trái phép, ông cùng các thành viên tổ bảo vệ rừng sẽ thông báo kịp thời đến lực lượng chức năng.
Năm 2020, Quỹ bảo tồn Disney (Mỹ) đã phong tặng ông Lê Văn Hiên danh hiệu "Anh hùng bảo tồn" vì những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sinh cảnh và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Ông là người thứ 2 tại Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu này.
Gian nan tìm mái nhà chung
Voọc mông trắng hay còn gọi là voọc quần đùi trắng, có tên gọi khoa học là Trachypithecus delacouri, được đặt tên theo nhà điểu học người Mỹ gốc Pháp Jean Théodore Delacour, là một loài linh trưởng cỡ lớn, thuộc họ khỉ (Cercopithecidae), bộ linh trưởng (Primates).
Vào khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, những cá thể voọc quần đùi trắng tồn tại và phát triển nhiều trên những sống lưng đá vôi trải dài từ Vân Long (Ninh Bình) tới Rốn Rồng (Hòa Bình). Chúng được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Song, sau đó, loài động vật đặc hữu này dần bị xóa sổ bởi nạn săn bắn, bẫy bắt và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới, xếp hạng ở mức "cực kỳ nguy cấp" trong Danh mục đỏ quốc tế IUCN.
Theo nghiên cứu của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), khu vực rừng thuộc huyện Kim Bảng có tới 16 đàn, 104 cá thể voọc mông trắng. Đây là quần thể lớn thứ hai của loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu này, chỉ sau Khu bảo tồn Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Do đó, công tác bảo tồn loài voọc này có ý nghĩa lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả cộng đồng thế giới. Đến nay, theo ghi nhận, quần thể voọc mông trắng đã tăng lên về số lượng.
Có được thành quả đó, ngoài những người như ông Lê Văn Hiên, còn có bao tâm huyết của các cán bộ Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD), Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), cùng lực lượng kiểm lâm tỉnh Hà Nam. Họ đã cùng nhau “ăn rừng, ngủ núi” cả tuần, thậm chí cả tháng thu thập những tư liệu, hình ảnh, thông tin xác thực nhất về một trong những loài động vật quý hiếm bậc nhất Việt Nam này.
Song, để bảo tồn loài voọc mông trắng một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải tạo được không gian an toàn cho chúng sinh sống, phát triển, bao gồm tạo không gian sống hài hòa với cộng đồng địa phương và khôi phục rừng. Trong khi đó, tại khu vực rừng Kim Bảng, hoạt động khai thác đá vôi phục vụ sản xuất xi - măng diễn ra nhiều năm, dẫn tới môi trường sống của voọc mông trắng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm 2017, UBND tỉnh Hà Nam đã đề xuất chủ trương thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng. Đến nay, đã xác định diện tích Khu bảo tồn là khoảng 3.182ha rừng đặc dụng. Khu bảo tồn sẽ góp phần ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài linh trưởng này, cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm khác ở rừng Kim Bảng, chung tay vào công cuộc bảo vệ, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên của Kim Bảng và các khu vực lân cận. Không chỉ thế, Khu bảo tồn Voọc nằm liền kề Khu du lịch, Tam Chúc nhiều tiềm năng phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xanh bền vững cho địa phương. Đến nay, đã hơn 7 năm đã trôi qua, con đường hình thành mái nhà chung này vẫn đầy chông gai.