Xã hội

Xuân an cư nơi đại ngàn

Lan Anh 25/01/2025 12:30

(TN&MT) - Khi đào rừng, đỗ quyên đang bung nở khoe sắc trên các triền núi đá, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về nơi đại ngàn Trường Sơn cũng là lúc đồng bào Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng… chộn rộn chuẩn bị đón Tết trong những ngôi nhà mới từ chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Quảng Nam.

Xóa nhà tạm, “xây” giấc mơ an cư

Những ngày giáp Tết Ất Tỵ, mây mù giăng trắng xoá những cung đường lên xã biên giới A Vương, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nằm ở độ cao gần 1000m, trong tiết trời lạnh, người dân vùng cao chộn rộn chào đón Tết cổ truyền của dân tộc.

z6258196088814_5e4b5b1dbbbbcca2f47f9423178ae987.jpg
Xuân này, gia đình anh Zơ Râm Đồng ở thôn Apát, xã A Vương, huyện Tây Giang được đón Tết trong ngôi nhà khang trang, kiên cố

Trong ngôi nhà mới khang trang còn thơm mùi gỗ, gia đình anh Zơ Râm Đồng (dân tộc Cơtu) ở thôn Apát, xã A Vương, huyện Tây Giang kể, trước đây, gia đình 5 người sống trong căn nhà tạm bợ, mùa nắng thì nóng, mùa mưa sợ sạt lở. Được nhà nước quan tâm, hỗ trợ tiền theo chủ trương xóa nhà tạm, dột nát của tỉnh Quảng Nam, gia đình anh Đồng đã xây được ngôi nhà mới.

“Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, bà con hỗ trợ thêm ngày công, Tết này mình có nhà mới để ở. Cả gia đình đều vui lắm vì có nhà cửa ổn định, từ nay chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế thôi”- anh Zơ Râm Đồng, vui mừng nói.

Không riêng gia đình anh Đồng, 20 hộ (trong tổng số 55 hộ nghèo) tại thôn Apát cũng được hỗ trợ kinh phí xoá nhà tạm, nhà dột nát. Có hộ được hỗ trợ cả vay vốn để sản xuất, chăn nuôi, đời sống người dân phát triển từng ngày. Vượt qua bao gian khó, đồng bào Cơ Tu nơi đây càng thấu hiểu hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp bà con ổn định đời sống.

z6258196094063_687135b7a9fbd150c7b76f7dff2f2047.jpg
Những ngôi nhà khang trang, vững chắc được "dựng" lên từ sự chung tay của chính quyền và người dân tỉnh Quảng Nam

Không chỉ Tây Giang, nhiều địa phương ở Quảng Nam, đặc biệt là các huyện miền núi như: Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn… đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhằm đảm bảo an cư cho đồng bào khó khăn. Những ngôi nhà mới đã kịp hoàn thành để người dân cùng vui Xuân, đón Tết...

Đang loay hoay bưng chậu quất đặt lên bàn tiếp khách những ngày Tết, chị Hồ Thị Hạnh (dân tộc Ca-dong, ở thôn Giao Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) mừng rỡ nói, Tết đầu tiên có nhà mới, cũng phải sắm sửa trang hoàng nhà cửa để đón Tết.

Chị Hạnh kể, sau khi ly hôn, một mình nuôi 4 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, mẹ con phải ở trong ngôi nhà lợp tôn đã xuống cấp, dột nát, chênh vênh bên sườn núi. Chị lên rừng bóc keo thuê để nuôi con, không có việc thì hái rau, kiếm củi. Tháng 10/2024, chị Hồ Thị Hạnh được hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà theo quy định tại Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Nhiều đoàn, hội, bà con xóm làng đến giúp ngày công, chị Hạnh vay mượn thêm làm được căn nhà kiên cố.

Chị Hạnh phấn khởi chia sẻ: “Cảm ơn Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ mẹ con tôi có ngôi nhà mới đón Tết”.

Đổi thay vùng cao xứ Quảng

Bằng nhiều cách làm hiệu quả, đến nay, Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động.

nhatam1.jpg
Bằng nỗ lực chung của tỉnh, nhiều ngôi làng ở vùng cao Quảng Nam đã ổn định về nhà ở.

Ông Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch UBND xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức chia sẻ, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương có sức lan tỏa rất lớn. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ xây mới 33 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tiêu chí “3 cứng” (cứng nền, cứng tường và cứng mái).

Trong quá trình tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà cho hộ dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Mặt trận, các hội đoàn thể quan tâm giúp đỡ hộ dân làm nhà. Có một số nhà xây dựng theo định hướng của xã, xây dựng với kết cấu chống bão. Khi có nhà mới, người dân rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất.

Để đảm bảo tiến độ và xây dựng nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát từng hộ gia đình, thiết kế các mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, phong tục tập quán của người dân. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiến độ thi công, đảm bảo tính bền vững và an toàn.

Theo Ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam dành hơn 243 tỷ đồng hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 10.945 hộ gia đình người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà. Tỉnh Quảng Nam đã phân bổ hơn 152 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng và sửa chữa 5.953 nhà, đạt gần 54,4% kế hoạch.

Dự kiến, tổng nguồn vốn xây dựng, sửa chữa 10.456 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 là gần 537 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ngân sách theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và Đề án 1245, dự kiến phải huy động xã hội hóa hơn 114 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Để hiện thực mục tiêu này, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đã viết tâm tư vận động kêu gọi cộng đồng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. “Thêm một bàn tay chìa ra, chúng ta sẽ có thêm một viên gạch làm vững chắc hơn nơi ở của hộ đồng bào nghèo. Đây cũng là hành động thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Nam, 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII”, tâm thư kêu gọi.

miennui4.jpg
Xuân này cuộc sống đồng bào vùng cao Quảng Nam được ấm no, đủ đầy hơn từ những chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước

Xuân này, những cung đường đi về vùng cao xứ Quảng như đẹp hơn, đẹp trong niềm vui sung túc. Cuộc sống của đồng bào nơi đại ngàn Trường Sơn đang đổi thay từng ngày. Trong những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình đã rộn tiếng cười vui của bình yên và hạnh phúc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân an cư nơi đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO