Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Êđê

30/09/2013 00:00

(TN&MT) - Giữa bộn bề của cuộc sống nơi thành thị, vẫn còn đó một người con của núi rừng Tây Nguyên mãi gắn bó mật thiết với niềm đam mê nhạc cụ dân tộc.

   
(TN&MT) - Giữa bộn bề của cuộc sống nơi thành thị, vẫn còn đó một người con của núi rừng Tây Nguyên mãi gắn bó mật thiết với niềm đam mê nhạc cụ dân tộc. Mặc dù đã bước sang tuổi 71 và đang mang nhiều căn bệnh, ông Ama Kim (ở buôn Kô Siêr, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vẫn say mê chế tác nhạc cụ truyền thống của người Êđê.
   
Ngôi nhà sàn tràn ngập nhạc cụ dân tộc
   
Gia tài “vô giá”
   
  Tìm về buôn Kô Siêr, chúng tôi ngỡ ngàng vì không nghĩ rằng nơi đô thị sầm uất lại còn có người chế tác và lưu giữ nhiều nhạc cụ dân tộc Êđê đến vậy. Ông là Ama Kim (tên thật Y Mip Ayun, người con của dân tộc Êđê) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng gió. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, âm thanh cồng chiêng đã bắt đầu ngấm vào máu, vào tim và tiềm thức của ông. Mỗi khi buôn làng có lễ hội, chàng trai trẻ Ama Kim lại say sưa xem đánh cồng, đánh chiêng, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc. Lúc rảnh rỗi, anh thường mang các nhạc cụ ra đánh, chỗ nào không biết anh hỏi các nghệ nhân, hỏi bố vợ (cố nghệ nhân Y Kril - PV) để nắm rõ mọi “ngóc ngách” của từng loại nhạc cụ từ cồng, chiêng cho tới đing năm, đing tặc tà, đing puốt… Vì thế, Ama Kim đã được công nhận nghệ nhân giỏi khi mới ở độ tuổi 30.
   
Gia tài vô giá của nghệ nhân
    
   
  Trong ngôi nhà sàn đơn sơ mang đậm nét đặc trưng của người Êđê, tràn ngập bằng khen bên 4 bức vách và các loại nhạc cụ mà ông đã chế tác.  Ama Kim cũng không biết mình đã chế tác bao nhiêu nhạc cụ từ gỗ, tre trúc và đến cả những chiếc chiêng bằng nắp thùng phuy sắt. Rất nhiều loại nhạc cụ được ông chế tác từ những lần đi biểu diễn cùng các đội chiêng tỉnh bạn hay cùng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Nâng niu từng loại nhạc cụ, nghệ nhân vừa giới thiệu vừa biểu diễn cho khách nghe. Bằng đôi tay khéo léo, nhạc cụ đơn giản ching kok chỉ làm bằng 3 hoặc 5 ống tre bỗng chốc phát ra âm thanh của bài “Đuổi chim ăn lúa” làm say lòng người. Từ một ống trúc được đục lỗ, mấy ai nghĩ được nghệ nhân đã chế tác ra chiếc đinh puốt thổi lên khúc nhạc khơi dậy bao cảm xúc của người nghe, hòa quyện tâm hồn với không gian của núi rừng.
   
Nghệ nhân chơi nhạc cụ Đinh Năm
    
   
Nỗi lo người kế tục
   
  Cả cuộc đời gắn bó với giai điệu của nhạc cụ dân tộc, ngày còn sung sức ông đi biểu diễn khắp nơi. Không chỉ trong nước, ông còn đưa âm hưởng, linh hồn của âm nhạc Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế như: Lào, Campuchia, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Italia…. “Một thời là thế, bây giờ tuổi đã già, lại thêm nhiều bệnh tật. Nhiều khi thèm cầm nhạc cụ lên thổi, thèm cất tiếng hát lắm nhưng sức yếu mất rồi”, giọng Ama Kim buồn bã.
   
Nhạc cụ Ching Kok
    
   
  Càng đến tuổi gần đất xa trời, nghệ nhân càng trăn trở, lo lắng mãi không thôi: “Tôi đang lo không có người kế tục. Gia đình tôi con trai con gái đều có nhưng chúng nó không đam mê nhạc cụ như tôi. Thằng con trai nó chỉ biết đánh chiêng còn chế tác nhạc cụ thì chịu”. Trước đây cũng có thời gian ông nhận lời dạy đánh chiêng, thổi nhạc cụ cho thanh niên trong các buôn làng trên địa bàn tỉnh nhưng họ cũng chỉ học cho biết. Trong buôn, chưa một ai có niềm đam mê “sống chết” với nhạc cụ như ông nên để tìm được người kế tục rất khó.
   
Nhạc cụ Brú
    
   
  Giữa bộn bề cuộc sống, sự phát triển của văn minh đô thị đã len lỏi vào từng buôn làng, hình ảnh các chàng thanh niên đánh chiêng, các cô gái nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa bên những ché rượu cần đã dần biến mất. “Những ai có niềm đam mê nhạc cụ, muốn học đánh chiêng, chế tác tôi đều sẵn sàng truyền lại. Nhưng càng ngày vô vọng, không có ai muốn thay tôi giữ lấy nét truyền thống của cha ông nữa. Tôi buồn lắm”, ông tâm sự.
   
        
Ama Kim từng đoạt các danh hiệu - giải thưởng: Nghệ nhân xuất sắc trong liên hoan văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên; Giải Bông sen Vàng, liên hoan hòa tấu âm nhạc dân tộc TP HCM lần 2; Giải nhất môn đánh chiêng của Buôn Ma Thuột năm 1997; huy chương vàng tại Liên hoan Văn hoá cồng chiêng toàn quốc; huy chương vàng các tiết mục hoà tấu nhạc cụ đing năm, tù và, đing puốt, đing tặc tà...
        
    
   
                                                                  
   
   Bài & ảnh: Tuệ Minh
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Êđê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO