Xã hội

Người dân vùng cao nỗ lực thoát nghèo

Thanh Ngà 28/06/2023 - 13:03

(TN&MT) - Nghe lời căn dặn của Bác Hồ, muốn được “ăn no, mặc ấm” phải định canh, định cư, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, loại bỏ những tập quán lạc hậu…nhiều bà con dân tộc     v nơi vùng cao Yên Bái đã thực hiện rất tốt, qua đó giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nỗ lực thoát nghèo

Anh Giàng A Sáu – Người dân tộc Mông, 45 tuổi, thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn mỗi lần đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là mỗi lần gửi tiền tỷ đã trở nên khá quen thuộc. Trồng cây quế, loại “cây vàng” trên đất núi, Giàng A Sáu không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn cổ vũ, khích lệ tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu cho đồng bào vùng cao nơi đây.

Những năm 2000, được sự vận động của Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương, anh Giàng A Sáu cùng gia đình đã trồng 7ha quế đầu tiên trên mảnh đất rừng được nhà nước giao.

anh-giang-a-sau-tro-thanh-ty-phu-nho-trong-cay-que.jpg
Anh Giàng A Sáu làm giàu từ trồng cây quế

Tiếp đó, hàng năm, gia đình đều mở rộng diện tích trồng, nâng tổng diện tích quế lên hơn 40ha. Quế trồng cho thu hoạch có chất lượng tốt, đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài nên thu nhập từ cây quế đã giúp gia đình anh Sáu cải thiện đời sống, cho thu nhập cao và xây nhà kiên cố, mua xe vận tải để phục vụ sản xuất. 

“Trồng quế cũng không nghĩ cây quế có giá trị như thế này, nhưng làm thì thấy càng ngày càng được tiền. Càng muốn làm nhiều thì càng được nhiều, chịu khó là thành công”, anh Giàng A Sáu chia sẻ.

Anh Giàng A Lử - Trưởng thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn cho biết: Người dân trong vùng ai cũng trầm trồ thán phục và làm theo người "Nông dân Việt Nam xuất sắc" toàn quốc năm 2022 - Giàng A Sáu, để hướng tới cuộc sống giàu có sung túc hơn ngay trên đất đồi, đất núi của quê hương.

Không chỉ có nam giới, giờ đây chị em phụ nữ ở Yên Bái cũng nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế để làm giàu. Từ cây quế gia đình trồng được và kinh doanh các sản phẩm quế của người dân trong vùng, đến nay gia đình chị Trần Thị Huân ở thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 2 xưởng sản xuất, chế biến quế; mua sắm được nhiều trang thiết bị máy móc và 4 ô tô tải lớn để vận chuyển hàng hóa. Cũng từ nguồn thu nhập ấy, gia đình chị xây được ngôi nhà khang trang nhất nhì vùng.

Bình quân mỗi tháng, gia đình chị Huân sản xuất, chế biến khoảng 100 tấn vỏ, cành quế các loại, lợi nhuận sau khi trừ chi phí bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, chị Huân còn tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và lao động địa phương, với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Huy động mọi nguồn lực

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án từ chính sách dân tộc của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sự đồng lòng linh hoạt trong việc huy động, lồng ghép các nguồn lực trong xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, chất lượng đối với từng địa phường tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế.

thanh-nien-yen-bai-co-nhieu-mo-hinh-khoi-nghiep-dat-hieu-qua-cao.jpg
Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng sản xuất công nghệ cao do thanh niên làm chủ

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có gần 900 mô hình do đoàn viên thanh niên làm chủ, từ đây xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú thế hệ 8x, 9x.

Anh Đồng Mạnh Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thường xuyên tổ chức các cuộc thi ý tưởng dự án khởi nghiệp cho thanh niên. Qua đó đã ươm mầm những ý tưởng, những sáng kiến để đưa vào thực hiện trong thực tế. Rất nhiều dự án đã được hình thành, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, giúp các bạn thanh niên tự tin cũng như phát triển những mô hình của mình trên chính mảnh đất quê hương.

Trong năm 2023, tỉnh Yên Bái đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,22% so với năm trước. Đây là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Để phát huy sức mạnh tổng hợp, bên cạnh việc lồng ghép các cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thoát nghèo bền vững trong nhân dân, cũng là việc làm được tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng.

Thông qua những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các địa phương trong công tác tuyên truyền đã tạo cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh Yên Bái có thêm niềm tin với Đảng, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua những định kiến lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự vươn lên phát trển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân vùng cao nỗ lực thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO