Người dân khốn khổ vì bãi rác gây ô nhiễm

Bài và ảnh: Trần Văn - Thanh Tùng| 13/10/2020 12:00

(TN&MT) - Ô nhiễm nguồn nước ngầm do nước rỉ rác; ô nhiễm không khí do khói và mùi hôi thối; nguy cơ dịch bệnh do ruồi nhặng... là những gì đang diễn ra tại bãi rác thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy, Hòa Bình). Điều đáng nói là cả người đứng đầu UBND thị trấn Hàng Trạm và Hợp tác xã (HTX) thu gom rác đều kiên quyết khẳng định: Trước mắt, không có giải pháp gì khắc phục!?

Ô nhiễm ngày càng trầm trọng

Có mặt tại khu vực bãi rác thị trấn Hàng Trạm. Nhiều người dân sống tại đây cho biết, việc thu gom rác tập trung là một chủ trương đúng đắn và người dân rất ủng hộ. Tuy vậy, cách xử lý rác thì còn nhiều bất cập. “Chúng tôi rất ủng hộ việc thu gom rác tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng quan trọng là phải xử lý bằng cách nào để không gây ô nhiễm cho người dân. Trước đây đã có lần Chủ tịch UBND huyện về họp với người dân và hứa sẽ giải quyết, xây dựng lò đốt nhưng đến nay đã mười mấy năm rồi vẫn không thấy lò đốt đâu. Rác không được phân loại, không thấy chôn lấp, cứ chở về là đốt và đốt”, ông Bùi Văn Chanh, sống tại khu Tây Bắc, thị trấn Hàng Trạm bức xúc.

Không chỉ vậy, ông Chanh cũng cho biết: Có thời điểm bãi rác còn tập trung rất nhiều loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ hết thời hạn sử dụng, người dân đã phải nhặt riêng để tiêu hủy. Vào đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, nhiều lợn chết cũng được vứt ra khu vực bãi rác, có trọng lượng đến hàng tạ. Không thấy HTX cho phun các chế phẩm sinh học để khử mùi, hoặc có nhưng rất ít, không đáng kể. Người dân đi qua không thể thở được.

Cùng ý kiến với ông Chanh, ông Vũ Đình Lâm, sống tại khu phố Yên Hòa, thị trấn Hàng Trạm cho biết, bản thân ông và người dân đều rất nhất trí về chủ trương thu gom rác tập trung của HTX Bình Minh Xanh. Tuy vậy, cách xử lý bằng cách gom lại và đốt như hiện tại thì chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Lâm cho biết, khu phố Yên Hòa nằm cách bãi rác khoảng mấy trăm mét, trước kia không hề có ruồi nhặng nhưng giờ rất nhiều. Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn. Không những vậy, việc đầu tư bãi rác cũng rất hạn chế, tường vây quanh được xây tạm bợ, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác để xử lý nên nước rỉ rác ngấm thẳng xuống đất, khi mưa lớn thì tràn thẳng ra đồng ruộng. Nguy hiểm hơn là cách bãi rác khoảng hơn 100 m lại có dòng suối chảy thẳng về mấy xóm của xã Hữu Lợi. Việc không xử lý nước rỉ rác có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

“Hiện tại, HTX Bình Minh Xanh có thu kinh phí thu gom rác, nhưng cách xử lý cần xem xét lại, vì nếu chỉ gom lại rồi đốt thế này thì chúng tôi tự xử lý ở nhà cũng được”, ông Lâm bức xúc. Cũng theo ông Lâm, nhiều năm qua đã cùng bà con có ý kiến với các cấp chính quyền từ các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri của xã, huyện, nhưng đến nay chưa có cách gì xử lý.

Toàn cảnh bãi rác

“Chẳng còn cách nào”

Trước các ý kiến phản ánh của người dân, ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm và ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc HTX môi trường Bình Minh Xanh đều khẳng định, những phản ánh của người dân là đúng. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, không có cách nào giải quyết dứt điểm. Việc khắc phục ô nhiễm cần phải có thời gian, kinh phí, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm Lê Xuân Trường cho biết, theo quy định của UBND tỉnh, hiện nay mức thu giá dịch vụ thu gom rác đối với các xã là 4.000 đồng/người/tháng, đối với thị trấn là 6.000 đồng/người/tháng. Mức chi phí trên mới chỉ đảm bảo cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý thô. UBND huyện đang đề xuất với tỉnh, Trung ương đầu tư cho huyện một nhà máy xử lý rác thải hiện đại, còn “tại thời bây giờ vẫn chỉ có cách xử lý là phơi và đốt”.

Về nước rỉ rác có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước của người dân, ông Trường cho biết, bãi rác mới chỉ là xử lý thô nên vấn đề nước rỉ rác, cả UBND huyện và UBND thị trấn đã biết và rất lo ngại nhưng không có phương án khắc phục. Hiện UBND huyện cũng đang có dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác mới tại xã Đa Phúc, điều này đang được thực hiện. “Hiện chúng tôi vẫn đang vận động bà con phân loại rác để chuẩn bị khi xây dựng nhà máy xong sẽ đưa vào thực hiện xử lý ngay. Còn bãi rác tại thị trấn Hàng Trạm thì không thể khắc phục nên chắc chắn nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, chưa xác định mức độ ô nhiễm đến mức nào. Chúng tôi chẳng có cách nào khắc phục”, ông Trường nhấn mạnh.

Mỗi ngày bãi rác tiếp nhận khoảng 30 tấn rác

Khó khăn trong thu phí, HTX nhiều lần muốn buông bỏ

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc HTX môi trường Bình Minh Xanh cho biết, khi bãi rác mới thành lập năm 2007, lượng rác thu gom chỉ ở khu vực thị trấn với khoảng 20 tấn/tháng, hiện nay lượng rác đã lên tới 27 - 30 tấn/ngày. Khối lượng tăng đột biến nên việc xử lý rất khó khăn. HTX được ký kết hợp đồng xử lý với hình thức đốt và chôn lấp. Nhưng do diện tích bãi rác nhỏ nên không thể chôn lấp, chỉ có thể đốt. HTX đã đề xuất cùng UBND huyện cùng phối hợp để xứ lý, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo UBND huyện cũng đã đầu tư 1.500 lít chế phẩm để phun vào rác trong thời gian chờ đốt. Tuy vậy, cách làm này cũng chỉ đảm bảo được 50%.

Ông Hạnh cũng cho biết, việc thu phí dịch vụ của người dân cũng rất khó khăn. Hiện HTX không trực tiếp đi thu phí mà giao cho các trưởng thôn đi thu và trả thù lao 10%. Trên địa bàn thị trấn, bà con đồng tình cao nên thu được khoảng 90%. Nhưng đối với các xã thì khó hơn, một số xã chỉ đạt khoảng 50%. Có những xã chỉ thu được 3.000 đồng/ người/tháng, do người dân không chịu nộp mức 4.000 đồng như quy định. Nguồn thu ít nên hoạt động và thu nhập của người lao động trong HTX rất khó khăn. “Nhiều thời điểm tôi có ý định từ bỏ, không tham gia việc thu gom, xử lý rác nữa nhưng được sự động viên của lãnh đạo UBND huyện và thị trấn nên tôi mới tiếp tục làm”, ông Hạnh bày tỏ.

Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, HTX Bình Minh Xanh đã có Kế hoạch xây dựng thêm bãi tập kết và xử lý rác bằng lò đốt rộng khoảng 5.000 m2 tại xã Đa Phúc. Nhà máy có số vốn đầu tư 37 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của HTX Bình Minh Xanh là 55%. Đây là nhà máy vận hành lò đốt rác CNC-NH tích hợp nhiều nguyên lý như nguyên lý cách nhiệt và giữ nhiệt, nguyên lý bức xạ nhiệt tối ưu để tăng nhiệt cho lò đốt.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh: “Giải pháp tốt nhất lúc này là phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải này. Còn với hiện trạng như hiện nay, Bình Minh Xanh không còn cách nào giải quyết”.

Bãi rác thị trấn Hàng Trạm hoạt động từ năm 2007, có diện tích 3.000 m2, lúc đầu chỉ là nơi tập kết rác thải sinh hoạt của người dân thị trấn Hàng Trạm. Từ năm 2015, bãi rác được UBND huyện Yên Thủy giao cho Hợp tác xã (HTX) môi trường Bình Minh Xanh sử dụng làm nơi tập trung và xử lý rác thải của toàn huyện. Lúc này, lượng rác tăng lên đáng kể, cộng với việc không có biện pháp xử lý hiệu quả nên tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân khốn khổ vì bãi rác gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO