Ngư dân Thanh Khê (Đà Nẵng): Vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền

05/10/2018 13:05

(TN&MT) - Quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) nằm phía Tây Bắc thành phố có vị trí giao thông xuyên quốc gia về đường bộ, đường sắt và đường không, là quận có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Trong nhiều năm qua, Hội Nông dân quận Thanh Khê luôn vận động và tạo mọi điều kiện để ngư dân trên địa bàn quận được vay vốn, cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi đánh bắt và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Quận Thanh Khê có trên 100 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tổng công suất 32.400 CV, sản lượng hàng năm đạt 6.000 - 8.000 tấn chiếm tỷ trọng 40% sản lượng toàn thành phố
Quận Thanh Khê có trên 100 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tổng công suất 32.400 CV, sản lượng hàng năm đạt 6.000 - 8.000 tấn chiếm tỷ trọng 40% sản lượng toàn thành phố

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn để vươn khơi

Với lợi thế nghề biển là nghề truyền thống của quận, có đội tàu đánh bắt xa bờ mạnh, sản lượng khai thác chiếm tỷ trọng 40% sản lượng toàn thành phố. Tuy nhiên, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân hiện nay vẫn còn đơn lẻ, nhóm nhỏ chưa hình thành các đội sản xuất có quy mô lớn để hỗ trợ cho nhau trên biển, giá trị đầu ra của ngư dân chưa được đảm bảo làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của ngư dân. Ngoài ra, phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân còn ít về số lượng, nhỏ về công suất, loại tàu chủ yếu là tàu vỏ gỗ nên chưa tương xứng với tiềm năng đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ và khả năng chống chọi với những tình huống phức tạp trên biển chưa cao.

Trước tình hình đó, các Hội Nông dân quận Thanh Khê đã tham mưu đề xuất, phối hợp hỗ trợ vốn vay cho hội viên ngư dân để cải hoán, đóng mới tàu thuyền với chất lượng hiện đại đảm bảo điều kiện vươn xa đánh bắt hải sản. Từ năm 2012 - 2018, được sự hỗ trợ phối hợp của Phòng Kinh tế và các ban ngành, các cấp, Hội Nông dân quận đã triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, Quyết định 47 của thành phố... kết quả đã có 17 trường hợp đóng mới tàu thuyền công suất trên 400CV với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng, đã góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền và cơ cấu nghề khai thác hiệu quả nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của ngành khai thác hải sản.

Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của quận, hằng năm đã hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất lớn, vật tư ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ đánh bắt xa bờ với tổng số tiền 140 triệu đồng. Trung tâm Khuyến Ngư Nông lâm thành phố cũng hỗ trợ cho ngư dân 17 thiết bị hỗ trợ như hầm bảo quản sản phẩm, máy dò ngang... tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt thuận lợi, bội thu. Từ đó ngư dân đã quyết tâm ra khơi bám biển và khẳng định mỗi ngư dân và con thuyền là “cột mốc sống” bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Đối với hoạt động đánh bắt xa bờ, hiện nay toàn quận Thanh Khê có trên 100 tàu thuyền các loại, hình thành 14 tổ đội sản xuất đánh bắt xa bờ, 66 ngư dân tham gia lực lượng dân quân trên biển tập trung ở 3 phường ven biển, tổng công suất 32.400 CV, sản lượng hàng năm đạt 6.000 - 8.000 tấn. Từ sản lượng đánh bắt lớn đã giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập 4 -5 triệu đồng/tháng, đời sống của đại bộ phận ngư dân ổn định tạo bước chuyển mới trong ngành thủy sả, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển của quận nhà.

Quận Thanh Khê không ngừng vận động ngư dân cải hoán tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt xa bờ và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn lao là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
Quận Thanh Khê không ngừng vận động ngư dân cải hoán tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt xa bờ và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn lao là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của vốn vay

Trong tình hình hiện nay của đất nước, phát triển ngành thủy sản đánh bắt xa bờ không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn lao là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Việc vận động ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền vươn khơi đánh bắt hải sản được xem là nhiệm vụ quan trọng chính vì thế Hội Nông dân quận Thanh Khê đã mạnh dạn đề xuất lên thành phố các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của vốn vay.

Theo đó, Hội Nông dân Thanh Khê đề nghị tăng cường công tác giáo dục chính trị, công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách nói chung với chủ trương phát triển kinh tế, trong đó xây dựng và phát triển ngành thủy sản là những bước đi đúng đắn và thật sự là khâu đột phá đẩy nhanh phát triển kinh tế biển của TP. Đà Nẵng. Các cấp cũng cần quan tâm xây dựng chương trình hỗ trợ các chính sách phát triển thủy sản như: Hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, kỹ thuật đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ; hỗ trợ thiết kế sản phẩm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Hội Nông dân kiến nghị các ngành chức năng xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác từ hoạt động đánh bắt nhỏ lẻ, gần bờ sang xa bờ để tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản. Hỗ trợ mua ngư lưới cụ, phối hợp với các đơn vị kinh doanh ngư lưới cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân mua bằng nguồn trả chậm thay trả trước. Cần xây dựng các cảng neo đậu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo tạo điều kiện cho ngư dân cập cảng sau chuyến ra khơi và những lúc có bão đến được an toàn.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách về phát triển ngành thủy sản cũng rất quan trọng. Song song với đó là tư vấn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và ngư dân trong các lĩnh vực đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để kinh doanh, khai thác có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngư dân Thanh Khê (Đà Nẵng): Vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO