Nghiên cứu khoa học và công nghệ tài nguyên môi trường: Hiệu quả cao trong ứng dụng thực tiễn

Thuỵ Khanh | 06/01/2023 15:35

(TN&MT) - Trong năm 2022, kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ TN&MT theo các lĩnh vực quản lý nhà nước đã đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn trong hoàn thiện chủ trương, chính sách, quy hoạch, điều tra cơ bản đối với các lĩnh vực đất, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, khí tượng thuỷ văn, biến đổi khí hậu,…

Trong đó, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện 101 đề tài cấp bộ chuyển tiếp, có 76 đề tài cấp Bộ và 15 đề tài cấp cơ sở trong nghiên cứu khoa học công nghệ (KH&CN).

anhngang2.jpeg
Kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ TN&MT đạt được nhiều hiệu quả quan trọng

Đối với lĩnh vực đất đai, các nhiệm vụ về KH&CN đã kịp thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phục vụ sửa đổi và xây dựng Luật Đất đai; thực hiện đề xuất định hướng đổi mới, hoàn thiện cấu trúc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và tiến tới xây dựng Bộ Luật Đất đai, các quy định về phân loại đất và chế độ quản lý, sử dụng đất đa mục đích, xây dựng công trình đa năng cùng các phương pháp định giá đất, nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai của ngành tài nguyên và môi trường.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, các đề tài nghiên cứu đã cung cấp các cơ sở lý luận và thực tiễn về nghiên cứu cơ chế, chính sách hợp tác trong điều tra, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản liên quốc gia của Việt Nam; Cơ sở về quy định pháp luật trong việc sử dụng tiết kiệm, tái sử dụng, tuần hoàn tài nguyên nước và kinh nghiệm quốc tế trong xác lập hệ thống chỉ tiêu đánh giá, theo dõi an ninh tài nguyên nước quốc gia, giúp xác định mô hình quản trị tài nguyên thông minh, phát triển tài nguyên nước phù hợp với điều kiện ở Việt Nam

Về địa chất khoáng sản, Vụ KH&CN đã xác lập các phương pháp đánh giá các khoáng sản vàng, đá quý, volfram ở các điểm quặng, điểm mỏ; xác định cấu trúc địa chất phục vụ công tác dự báo triển vọng khoáng sản trên cơ sở tổ hợp các phương pháp nghiên cứu địa chất - khoáng sản và địa vật lý, viễn thám phục vụ định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò khoáng sản cùng xây dựng ứng dụng hệ phương pháp điều tra, thăm dò và các diện tích có triển vọng về quặng đất hiếm ở khu vực Tây Bắc Việt Nam phục vụ cho công tác quy hoạch khoáng sản đất hiếm ở khu vực Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3817_phat-trien-petrovietnam-tro-thanh-tap-doan-nang-luong-voi-tim-kiem-tham-do-khai-thac-dau-khi-la-linh-vuc-cot-loi_1.jpeg
Cơ sở khoa học phục vụ xây dựng Quy định kỹ thuật xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường do tràn dầu trong lĩnh vực biển và hải đảo

Từ việc lựa chọn được bộ chỉ số dao động khí hậu quy mô lớn phục vụ dự báo khí hậu cho Việt Nam và trên xây dựng mô hình thống kê dự báo khí hậu ở Việt Nam hạn 3 tháng trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, Bộ TN&MT cũng đã phối hợp triển khai các hướng nghiên cứu nhằm phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và đề xuất các cơ chế chính sách, thu thập kinh nghiệm quốc tế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia với ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. 

Trong công tác đo đạc và bản đồ, các nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sử dụng phục vụ công tác đo đạc bản đồ đã được cải tiến, trong đó có thiết bị đo GNSS và xuồng không người lái sử dụng cho đo bản đồ tỷ lệ lớn đáy sông biển được chế tạo trên cơ sở tích hợp thiết bị đo sây hồi âm với hệ thống IMU – GNSS –RTK, cho thấy khả năng nắm bắt, tiến bộ công nghệ để có thể tự chủ và áp dụng hiệu cao, đảm bảo chất lượng và giảm chi phí đã được nâng cao thông qua công tác nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường, hiệu quả của công tác nghiên cứu KH&CN đã góp phần đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên; nâng cao mức độ tự động hóa nhằm hoàn thiện công nghệ tiếp nhận, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong hệ thống kín và xử lý theo hướng thu hồi tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường; đề xuất giải pháp quản lý, xử lý pin năng lượng mặt trời thải; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xác định khoảng cách an toàn về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến khu dân cư và đề xuất áp dụng cho Việt Nam; nghiên cứu xây dựng quy định về bảo vệ môi trường nhằm đẩy mạnh việc thực hiện về quy định của Luật bảo vệ môi trường đối với các công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom, lưu chứa tạm thời chất thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân…

Qua những kết quả thực hiện công tác nghiên cứu KH&CN, Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ TN&MT đã thực hiện xây dựng kế hoạch năm 2023, trong đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tập trung nghiên cứu và phát triển các nhiệm vụ phục vụ xây dựng văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường; ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất khoáng sản, biển và hải đảo và ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi số và chính phủ điện tử; đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, các hướng công nghệ ưu tiên; các chương trình thực hiện theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, lựa chọn các nhiệm vụ có tính ưu tiên theo khung chương trình đã phê duyệt cho giai đoạn đến năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu khoa học và công nghệ tài nguyên môi trường: Hiệu quả cao trong ứng dụng thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO