“Đất nở hoa” trên gò đồi Phong Xuân
(TN&MT) - Ngày trước, bà con xã gò đồi Phong Xuân (tên cũ là Ồ Ồ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vô cùng khó khăn. Đất đai bạc màu, sỏi đá, đặc biệt là thiếu nguồn nước tưới tiêu, mong chờ “nước trời” đã khiến đời sống khổ cực triền miên, cái nghèo đeo bám. Giờ đây, dọc tuyến đường đi lên xã, đường sá phẳng lì, cây xanh tốt tươi. Có thể nói rằng cuộc sống của người dân đã sang trang, “vùng đất chết” từng bước hồi sinh.
Những ngày giữa tháng 6, trời nắng như đổ lửa, có mặt tại xã Phong Xuân của huyện Phong Điền, nhìn vào khuôn mặt từng người, có thể cảm nhận rằng họ không còn sợ cái đói, cái khát… như ngày xưa nữa. Dưới ánh mặt trời, người dân tất bật đón nguồn nước từ hồ Hòa Mỹ nằm cách đó không xa, phục vụ gieo sạ vụ hè thu và chăm sóc vườn tược... Năm 1981, Ồ Ồ được đổi tên, thành lập một xã mới mang tên Phong Xuân.
Ngược dòng thời gian, bà con ở đây kể lại rằng, tên gọi Ồ Ồ bắt nguồn từ thời kháng chiến chống Pháp. Hàng chục năm trước tại vùng cao này, đất đai khô cằn, những vườn tạp, rừng tràm, đồi chè cằn cỗi, năng suất thấp khiến bà con loanh quanh luẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo. Hệ thống kênh mương hầu như không có và sau đó nếu có thì chưa được kiên cố, không đủ nguồn nước tưới, nhiều cánh đồng gần như bị bỏ hoang. Ai ai cũng nói rằng thời đó Ồ Ồ là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Một điều đặc biệt ở đây khi nghe kể là rất nhiều người dân ở huyện “hàng xóm” Quảng Điền đến Ồ Ồ để lập nghiệp. Một số thôn có tên ghép lại từ các thôn khác của Quảng Điền như Vinh Ngạn (ghép từ xã Quảng Ngạn và Quảng Vinh), Vinh Phú (ghép từ xã Quảng Phú và Quảng Vinh)... Khá tò mò, tôi “đội nắng” tìm đến thôn Vinh Ngạn, vào một ngôi nhà có đất rộng, với nhiều vườn sen, ao cá, trang trại nuôi gà, trồng thanh trà… Thấy tôi, chủ nhân là ông Đoàn Hải Điểu (71 tuổi) niềm nở đón tiếp.
Nhâm nhi tách trà đá, ông Điểu cho hay, gia đình ông lên sống tại đây năm 1976, vùng đất này khi đó toàn cây cối, cỏ dại um tùm. Người dân chỉ nhờ nguồn nước suối đầu nguồn sông Ô Lâu nên vào mùa nắng hầu như không cây nào sống nổi. Hồi ấy, ai cũng dựa vào rừng để sống như khai thác trầm, vàng, mây, lá nón, củi than, nhặt phế liệu. Cuộc sống khổ cực trăm bề nên nhiều người bỏ đi nơi khác làm ăn.
Bước ngoặt đến vào năm 1995, đập Quao – hồ thủy lợi Hòa Mỹ cách đó chưa đầy 10 km được đưa vào hoạt động. Kể từ đó, người dân Phong Xuân như sang trang mới, khó khăn dần qua khi hệ thống thủy lợi dẫn nước về tận các cánh đồng. Người dân bắt đầu cải tạo đất, trồng lúa, hoa màu.
Nghe nhắc đến đập Quao, ông Điểu bỗng xúc động, bởi không có đập ấy, ông chưa rõ sẽ đi đâu về đâu và chắc chắn không có cơ ngơi như ngày nay.
“Thật sự như một giấc mơ. Nhờ có nước đập Quao, quê mình mới đổi khác như bây giờ. Đất tôi có tận 2 hecta. Nhờ nguồn nước dồi dào, tôi mới có thể trồng lúa, trồng sen, chăn nuôi gia súc gia cầm, phát triển kinh tế, có tiền cho con cái ăn học và lâp nghiệp. Bà con ở đây cũng chịu khó làm ăn, giờ cuộc sống trở nên khá giả, không con nghèo nữa. Nhiều người đi xa sau đó không lâu khi nghe có hồ đập mới thì cũng khăn gói quay về…”, ông Điểu tâm sự.
Cách nhà ông Điểu khoảng 2 km, bà Hồ Thị Lé (SN 1955, tên thường gọi là Huế, thôn Vinh Phú) kể lại rằng, hồi những năm 1980, gia đình bà mới lên Ồ Ồ sinh sống thì khai hoang đất để trồng rau, khoai, sắn, lạc. Do không có nước nên cây cối khó sinh sôi nảy nở, đành phải lên rừng kiếm củi đổi lấy gạo ăn qua ngày.
“Ngày xưa, gạo không có mà ăn, đói lắm. Nhiều hộ đưa giống lúa nước từ nơi ở cũ lên đây canh tác, thế nhưng năm lần bảy lượt lúa đều chết khô. Cũng may sau đó có đập Quao nên mới có nước, khó khăn bớt dần. Tụi trẻ bây giờ làm chi biết hồi đó đói khổ cực dường nào”, bà Huế bộc bạch.
Tôi ghé thêm một nhà đang thu hoạch sen thì trời đã trưa, cuộc điện thoại từ ông Điểu reo lên: “Qua nhà bác, bác làm gà sau vườn, ăn trưa, làm ly bia cho mát cái đã…”. Một buổi trưa đáng nhớ khi tôi được ông Điểu và hàng xóm đến chơi kể nhiều câu chuyện hay về Ồ Ồ.
Xã Phong Xuân ngày nay có diện tích đất tự nhiên trên 15.000 hecta, dân số 1.670 hộ với 6.489 khẩu, phân bổ thành 11 thôn. Ông Nguyễn Bá Lành – Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, nếu không có đập Quao - hồ nước Hòa Mỹ đưa về sớm thì xã Phong Xuân chưa chắc đã được như bây giờ. Đó thật sự là cột mốc lịch sử. Sau khi có nước, những “vùng đất chết” ở địa phương từng bước vươn mình, góp phần làm cho ngành nông nghiệp trên địa bàn phát triển toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 43 triệu đồng, môi trường sống đang rất xanh - sạch.
“Cuộc sống người dân đã phát triển vượt bậc, hộ nghèo chỉ còn vài chục hộ, chiếm 3,4%. Cơ cấu cây trồng đã chuyển đổi, nhiều cây đang sinh trưởng, có giá trị cao ở xã như bưởi da xanh, cam V2 (112 hecta), cao su (143 hecta), lạc (74 hecta), cây sen (30 hecta), tràm dược liệu (47 hecta)… Trâu, bò có hàng trăm đàn. Ngoài ra, hiện có 203 hecta đất rừng sản xuất với 97 hộ được cấp chứng chỉ FSC, độ che phủ rừng đạt 71,38 %, qua đó giúp bà con có thu nhập ổn định, bền vững, dần trở nên giàu có”, ông Lành nói.
Cuối chiều, gió mát rười rượi dưới chân những dãy núi trùng trùng điệp điệp, đi ngang qua tấm biển chỉ dẫn lên thủy điện Rào Trăng (xã Phong Xuân), lòng tôi một thoáng bồn chồn, bởi ai ai cũng biết vào cuối năm 2020, hàng chục người đã chết và mất tích trong vụ sạt lở thủy điện này.
Nhưng, Phong Xuân bây giờ đã khác, và như được thêm “sức sống” khi cách đây ít tháng, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào hoạt động, nhiều km chạy qua xã này khiến bộ mặt nông thôn nơi đây thay đổi hơn, tươi mới hơn, nhộn nhịp hơn. Đi khắp vùng cao Phong Xuân, nhiều nhà cao tầng dần “mọc lên”, hình ảnh những ruộng lúa cháy vàng, đất đai nứt nẻ của ngày xưa không còn, thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng, vườn tược… xanh tốt quanh năm.
Ồ Ồ xưa cũ đã là quá khứ, Phong Xuân hôm nay đã thực sự “thay da đổi thịt” để tiếp tục đổi mới, vươn lên làm giàu trên mảnh đất xưa khô cằn....
Nằm trên lưu vực phụ của thượng nguồn sông Ô Lâu, hồ chứa nước Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) được khởi động xây dựng từ năm 1990 và đến năm 1995 đi vào hoạt động, dung tích chứa gần 10 triệu m3, giúp người dân các xã Phong Mỹ, Phong Sơn và Phong Xuân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế...