Từ Hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ…” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại phiên tổng thể của Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH năm 2017.
Từ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ dành cho “vùng đất chín rồng” để hôm nay, sau 3 năm thực hiện triển khai mạnh mẽ hàng loạt những quyết sách, vùng đất năng động, phù sa bồi đắp phía Nam Tổ quốc đã có được những thành quả nhất định từ việc thay đổi tư duy khai thác đến “dựa vào tự nhiên” mà phát huy tiềm năng của địa phương.
Kiến tạo thể chế, chính sách, kết nối liên vùng
Từ khi bắt đầu triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính, đó là: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; Hạ tầng và kỹ thuật môi trường; Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan. Qua đó, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới. Đồng thời, sửa đổi chính sách đất đai, gỡ các nút thắt nhằm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng ĐBSCL làm căn cứ để thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.
Điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. |
Hàng loạt các quy hoạch quan trọng được Chính phủ phê duyệt để triển khai đồng bộ như: Phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp đa ngành, dựa vào lợi thế của các vùng tự nhiên, quán triệt quan điểm “thuận thiên” của Nghị quyết; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 13 tỉnh, thành phố trong vùng và hiện đang thực hiện các thủ tục để triển khai lập quy hoạch tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, bao gồm việc nghiên cứu, xây dựng chương trình thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng; điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các Bộ được giao nhiệm vụ cụ thể như NN&PTNT, TN&MT, GTVT, Xây dựng, KH&ĐT… cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng, như chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với BĐKH, cải cách hành chính nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn…
Chủ động trong công tác khí tượng thủy văn
Đối với việc chủ động ứng phó BĐKH, theo đúng chủ trương “thuận thiên” của Nghị quyết, nhiệm vụ “bắt mạch thời tiết” chuẩn xác, giám sát khí hậu chặt chẽ là nhân tố then chốt, vô cùng quan trọng để có thể thực hiện các giải pháp. Theo đó, những năm qua, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành địa phương đã tăng cường điều tra, khảo sát, cảnh báo, dự báo trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với những dự án cụ thể như: Tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát, đo mưa tự động gồm 98 trạm khí tượng, 145 điểm đo mưa, 139 trạm thủy văn, 6 trạm hải văn và 154 điểm đo mưa, mực nước tự động, đo mặn.
Đầu tư xây mới và nâng cấp thiết bị tự động cho 3 trạm hải văn, trang bị đầu đo ADCP (hệ thống đo dòng chảy) cho 9 trạm thủy văn. Đồng thời, đã trang bị cho 21 trạm thủy văn thiết bị đo tự động cố định và 25 điểm đo mặn được trang bị thiết bị cầm tay. Qua đó nâng cao công tác dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai cả về chất lượng và thời gian dự báo, cảnh báo, góp phần quan trọng trong các giải pháp thích ứng như: tích nước, chuyển đổi thời vụ canh tác, cơ cấu lại cây trồng - vật nuôi, gia cố bảo vệ nhà cửa, cơ sở sản xuất…
Một số dự án điển hình: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé - giai đoạn 1; Dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau; Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới; Dự án Tha La, cống Trà Sư. Đến nay, các dự án, công trình này bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp thích ứng BĐKH qua việc hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.
Điều tra, khảo sát, thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Đặc biệt, trong các đợt hạn mặn năm 2020, đã triển khai xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700 m3/ngày đêm, cung cấp cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn khu vực ĐBSCL. Đến nay, đã bàn giao Bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung.
Các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn đã được hỗ trợ trực tiếp hàng trăm triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để khắc phục hậu quả. Cập nhật và từng bước hệ thống hóa số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường, dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát, tài nguyên nước. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm vùng quan trắc môi trường Tây Nam Bộ; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL làm cơ sở cho việc tích hợp dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương. Đây là tiền đề để từng bước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng ĐBSCL theo hướng thông minh.
Chuyển đổi kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ; hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án với khoảng 280.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp TP.HCM ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Phát huy lợi thế, kết nối hạ tầng vùng trọng điểm
Kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan tỏa phát triển vùng TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL, bao gồm xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng để giải quyết bài toán tổng thể.
Theo đó, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đầu tư thực hiện với tổng số vốn Trung ương đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã được giao giai đoạn 2016-2020 là 29.426 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ với Kiên Giang; nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, tuyến tránh quốc lộ 1A qua TP. Cà Mau… Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã đề xuất chủ trương đầu tư 38 dự án cho ĐBSCL với số vốn 94.500 tỷ đồng.
Chính phủ đã quan tâm tăng cường đầu tư thực hiện nhiều dự án thủy lợi, dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL. Các địa phương trong vùng cũng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng (với tổng kinh phí 264 tỷ đồng); xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt các địa bàn xung yếu tỉnh Sóc Trăng (với tổng kinh phí 153 tỷ đồng). Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi…
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu dân cư và cải tạo cảnh quan, hỗ trợ nguồn lực, thiết bị bảo vệ môi trường. Quản lý chất thải rắn được tăng cường cùng với việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Ứng dụng KH&CN và nguồn lực quốc tế hiệu quả
Việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế ĐBSCL thực hiện theo Nghị quyết 120 đã tạo cơ hội cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiên tiến được ứng dụng nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL một cách căn cơ, bài bản với tầm nhìn dài hạn.
Các chương trình, đề tài nghiên cứu, các dự án hợp tác đã được triển khai thực hiện như nghiên cứu tạo các giống cây trồng, cải tạo đất; phòng chống thiên tai, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển; nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất; giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán; đánh giá nguyên nhân gây ra xói lở bờ sông tại một số vùng trọng điểm và đề xuất một số định hướng về giải pháp công trình và phi công trình.
Hiện nay, đã có 20 đối tác phát triển quan tâm hỗ trợ cho ĐBSCL. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển, tổng số vốn đầu tư hỗ trợ từ các đối tác phát triển cho các chương trình, dự án đã và đang hỗ trợ vùng ĐBSCL vào khoảng 2,5 tỷ USD (58.000 tỷ đồng).
Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm và đề xuất các giải pháp, công nghệ ngăn ngừa, phòng, chống, giảm nhẹ tác động, khắc phục hậu quả của thiên tai; phát triển hệ thống giám sát BĐKH ở ĐBSCL... Nhiều hoạt động KH&CN được các địa phương tích cực triển khai, điển hình như nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học, biến đổi gien, đề xuất mô hình chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp trên nền đất lúa (tỉnh Tiền Giang); triển khai nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao (TP. Cần Thơ)...
Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án hợp tác quốc tế cũng được thúc đẩy, góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ĐBSCL. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương về phát triển tiểu vùng sông Mê Công bao gồm các cơ chế hợp tác Mê Công - Nhật Bản, Mê Công - Hàn Quốc, GMS (tiểu vùng Mê Công mở rộng), Mê Công - Lan Thương, Mê Công - sông Hằng, CLMV, ACMECS, Quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đã phát huy vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020 để chủ động gắn kết Mê Công trong ASEAN nhằm tìm được tiếng nói chung về tầm quan trọng của phát triển tiểu vùng.
Cùng các quốc gia trong lưu vực hợp tác khai thác và sử dụng bền vững, công bằng tài nguyên, trong đó có nguồn nước, trên cơ sở hài hòa lợi ích với mục tiêu phát triển bền vững. Mở rộng và tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược ứng phó với BĐKH (trong đó có các cơ chế hợp tác, đối tác quan trọng như Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước, Pháp, EU, Mỹ, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, GIZ, JICA…).
Những thành quả đạt được trong thời gian qua đã một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của BĐKH. Việc triển khai Nghị quyết đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình KH&CN, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua. Đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển bền vững ĐBSCL, góp phần ứng phó với BĐKH toàn cầu trên cơ sở kết hợp giữa sáng tạo, tri thức bản địa với các thành tựu KH&CN thế giới; sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân cả nước và ĐBSCL để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới.