Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã ký mới 02 hợp đồng uỷ thác chi trả DVMTR với Nhà máy thủy điện Ca Nan 2 và Nhạn Hạc, nâng tổng số hợp đồng ủy thác lên 29 hợp đồng (13 nhà máy thủy điện), tiềm năng số hợp đồng sẽ tăng lên trong thời gian tới do hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có một số nhà máy thuỷ điện đang được xây dựng mới và sẽ đi vào vận hành trong thời gian tới.
Tổng nguồn thu tiền DVMTR từ đầu năm đến nay là 57,827 tỷ đồng (tổng thu năm 2017 là trên 54 tỷ đồng) và đã giải ngân cho các chủ rừng trên 50 tỷ đồng. Dự kiến diện tích rừng cung ứng DVMTR 2018 được hưởng tiền DVMTR tăng lên, đạt khoảng 320 ngàn ha (so với 289 ha năm 2017).
Đến hết tháng 9/2018 này các đơn vị thu được số tiền dịch vụ môi trường rừng lớn như Nhà máy thủy điện Bản Vẽ là trên 23,6 tỷ đồng; Hủa Na trên 10 tỷ đồng; Khe Bố gần 8,5 tỷ đồng.
Quỹ cũng đã đàm phán ký kết hợp đồng thí điểm với 10 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An được lựa chọn thí điểm thu dịch vụ môi trường rừng như: Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh, Công ty CP bia Sài Gòn - Sông Lam, Công ty CP chuỗi thực phẩm TH, Công ty CP Mía đường Sông Con…
Ông Nguyễn Khắc Lâm – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An, cho biết: “Song song với quá trình thu quỹ thì đơn vị đã chủ động thực hiện công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình thực hiện chi trả tiền DVMTR, bảo vệ rừng của các chủ rừng, công tác trồng rừng thay thế của các dự án thông qua chế độ báo cáo hàng tháng kết hợp với công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường.