Xã hội

Nghệ An: Mưa lũ gây ra nhiều thiệt hại lớn ở các địa phương

Đình Tiệp - Thành Vinh 27/09/2023 17:52

Theo báo cáo nhanh sơ bộ của các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mưa lũ trong các ngày từ 25 đến 27/9 tuy chưa có ghi nhận thiệt thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhiều huyện. Đăc biệt là các huyện vùng cao như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong…

Mưa lũ gây thiệt hại lớn

Tại huyện Quỳ Châu, theo báo cáo nhanh của UBND các địa phương, hiện có 1.080 nhà bị ngập… Các trường Mầm non, Tiểu học, trụ sở UBND xã Châu Thắng bị ngập; Trụ sở UBND xã Châu Tiến bị ngập.

Về Lúa, hoa màu, ngập cánh đồng Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2, Minh Tiến; Cánh đồng xóm Tà Lạnh, xã Châu Hạnh; cánh đồng gần cầu Đồng Minh thuộc thị trấn Tân Lạc bị ngập; Cánh đồng xã Châu Thắng ngập 0,15 ha Lúa, 30a Mía; Châu Hội ngập khoảng 100ha ( bản Hội 1, bản Lè, bản Kẻ Xớn, Kẻ Tằn, Hội 2, Hội 3).

3(4).jpg
Mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Hiếu lên nhanh rút chậm.

Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Anh Sơn cho biết, tính đến trưa nay 27/9, toàn huyện đã có 60 ngôi nhà của dân bị ngập nước sâu 1 m, 76 hộ bị sạt lở nhà, hơn 340 ha cây trồng các loại bị ngập nước; 305 ha ao hồ nuôi trồng thuỷ sản bị ngập nước; 404 m đường giao thông bị ngập nước và một số công trình điện bị hư hỏng.

Tại huyện Quỳ Hợp, theo thống kê sơ bộ tính đến 14h ngày 27/9, toàn huyện có 65 cầu tràn bị ngập. 870 hộ dân/3690 nhân khẩu ở Bản Cáng, Bản Lộc Tiến, xã Châu Tiến, Bản Duộc, bản Quắn xã Liên Hợp, Bản Xết, Bản Bồn, Bản Thắm xã Châu Lý bị cô lập do nước lũ dâng cao. Hơn 12ha lúa bị thiệt hại. Diện tích hoa màu, rau màu hơn 120 ha tập trung chủ yếu ở Châu Cường, Châu Quang bị ngập úng.

5(3).jpg
Gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho người dân.

Một số tuyến đường giao thông ở Châu Hồng, Châu Tiến, Liên Hợp, Bắc Sơn… nhiều điểm bị sạt lở đường giao thông và đất nông nghiệp ven sông, suối với diện tích bị xói lở, vùi lấp 7 ha. Một cột điện ở xã Yên Hợp bị đổ gãy và đã được UBND xã Yên Hợp và các bên liên quan đã triển khai khắc phục tạm thời.

Tại xã Châu Thành nước chảy từ núi xuống nước tràn vào nhà 5 hộ gia đình làm hư hỏng vật dụng gia đình. Sạt lở, cuốn trôi móng nhà 20m, lấp nền nhà 01 nhà và sạt lở 20m tường rào.

6(1).jpg
Hàng chục học sinh Trường THPT Quỳ Châu leo lên nóc nhà để "cầu cứu".

Gần 250 ha mía bị ngập úng, gãy đổ tại các xã. 18 ha Keo nhỏ bị ngập úng. Gia cầm bị chết, cuốn trôi thiệt hại gần 900 con gia ở các xã Châu Cường, Liên Hợp, Yên Hợp. Hơn 70 ha ao hồ bị nước tràn qua bờ gây thất thoát về nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra kè và kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng 450m. Sạt lở 250m đường giao thông gây cản trở đi lại….Tổng thiệt hại ước tính ban đầu là hơn 10,2 tỷ đồng.

Còn tại huyện Quỳnh Lưu, từ sáng ngày 25 – 27/9, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu xảy ra mưa lớn, với lượng mưa 209,7 mm. Theo thống kê từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, toàn huyện có 605 ha ngô, rau màu các loại bị ngập úng; 50 ha mía bị đổ, gãy. Vùng thiệt hại chủ yếu ở các xã: Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Văn, Quỳnh Yên, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thanh, Quỳnh Diễn, Quỳnh Tam, Tân Thắng…

2(4).jpg
5(3).jpg
Giúp người dân sơ tán tài sản đến nơi an toàn.

Trên địa bàn huyện Thanh Chương có mưa to và rất to kéo dài, lượng mưa đo được lên tới 300 mm đã làm ngập úng cục bộ ở một số nơi trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo nhanh, đến sáng 27/9, toàn huyện có 23 nhà dân bị ngập khoảng 20-50cm, có 8 đường bị ngập, có 6 cầu tràn bị ngập, bị tốc mái 2 nhà dân, 1 cột điện bị gãy, 135m bờ rào bị gãy đổ, sập 1 cầu dân sinh, sập 1 mố cầu, 500m đường và lề đường bị sạt lở, 28 ha ao và hồ bị tràn thiệt hại từ 30-70%, ngô màu bị thiệt hại từ 30-70% là 19 ha.

8(1).jpg
Nhiều diện tích hoa màu bị hư hại.

Còn theo báo cáo nhanh số 41/BC-VPTT ngày 27/9/2023 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến 11giờ 00 phút ngày 27/9/2023 thì trên địa bàn toàn tỉnh có 1.178 ngôi nhà bị ngập. Chủ yếu ở Quỳ Châu, Quế Phong và Thanh Chương.

Có 15ha lúa và 1.081ha hoa màu bị thiệt hại; hàng trăm con gia súc và hàng nghìn con gia cầm bị cuốn trôi; 135m tường rào bị đổ; hàng chục điểm ngập, chia cắt, sạt lở tại các tuyến Quốc lộ; hàng chục điểm bịsạt lở ngập cầu tràn tại các tuyến tihr lộ ở miền núi khiến cho giao thông bị chia cắt.

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng 27/9, Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thưởng trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục với mưa lũ.

4(2).jpg
Mưa lớn khiến nhiều công sở cũng bị ngập nước.

Làm việc với Lãnh đạo các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu: các cấp chính quyền khẩn trương chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phối hợp với các đơn vị liên quan để tham gia hỗ trợ Nhân dân di dời tài sản, vật nuôi tránh ngập lụt. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến hồ, đập là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại, tuyệt đối không được chủ quan với diễn biến của lũ lụt.

1(5).jpg
Đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng tại các khu vực mưa lụt.

Đối với các hộ dân sống phía ngoài bãi dọc sông Cả, kiên quyết di dời lên chỗ cao đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, huyện cần hết sức quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn đến tính mạng và sức khỏe cho lực lượng tham gia ứng phó với thiên tai. Song song với đảm bảo lương thực, thực phầm nước uống cho nhân dân vùng lũ đặc biệt là những hộ phải di dời, tuyệt đối không để hộ nào bị đói, rét. Cần tăng cường vệ sinh môi trường sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh phát sinh tại các vùng có mưa lũ đi qua.

7(1).jpg
Lực lượng chức năng nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Các địa phương có các tuyến đường đi qua ngầm, tràn và lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình mực nước lên xuống của các nhánh sông để có các giải pháp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; Đặc biệt là tại các điểm sạt lở, ngập sâu cần túc trực 24/24h nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

9(1).jpg
Lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả lũ lụt (Ảnh: CSCC).

Chiều ngày 27/9, ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho hay: "Đợt mưa lũ này gây thiệt hại cho nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn, Thanh Chương... Theo dự báo thì vẫn sẽ tiếp tục có mưa nên nước đang rút khá chậm. Công tác thống kê thiệt hại và khắc phục hậu quả vẫn đang được các địa phương tập trung tiến thực hiện".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Mưa lũ gây ra nhiều thiệt hại lớn ở các địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO