Môi trường

Nghệ An: Kỳ vọng bước “đột phá” trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt

Đình Tiệp 05/03/2024 - 18:10

Từ nhiều năm qua, có một thực trạng đáng lo ngại là tỉnh nghệ An đang loay hoay với công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Nhiều dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải ở nhiều địa phương đã và đang được thực hiện nhưng tính hiệu quả, bền vững chưa có. Mới đây, tỉnh Nghệ An đã thông qua chủ trương xây dựng một Nhà máy xử lý điện rác với công nghệ Đức và vốn đầu tư dự kiến lên tới 3.100 tỷ đồng đem đến nhiều kỳ vọng.

Nỗi lo ô nhiễm từ thực trạng xử lý rác thải

Theo số liệu đến năm 2023 của tỉnh Nghệ An, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng (CTRSH) 1.592,69 tấn/ngày (tương đương 581.334,4 tấn/năm). Trong đó, lượng CTRSH tại khu vực đô thị là 551,53 tấn/ngày (tương đương 201.310,1 tấn/năm), tại khu vực nông thôn là 1.041,16 tấn/ngày (tương đương 380.024,3 tấn/năm).

Việc phân loại rác thải tại Nghệ An chưa được triển khai trên diện rộng, mới chỉ triển khai thí điểm, hiện nay chỉ có 3/21 huyện thành thị triển khai trên toàn huyện (Nam Đàn, Diễn Châu, Hưng Nguyên), còn lại đang triển khai tại một số xã của các huyện. Mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 55%.

4.jpg
Nhiều khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở Nghệ An quá tải và chủ yếu dùng phương pháp chôn lấp thủ công, gây ô nhiễm môi trường.

Tổng lượng CTRSH được thu gom khoảng 1.347,05 tấn/ngày đạt 84,58% (trong đó, tại đô thị 536,59 tấn/ngày đạt 97,3%, nông thôn 810,46 tấn/ngày đạt 77,84%). Tại đô thị, công tác thu gom CTRSH đã được được chính quyền địa phương rất quan tâm, các công ty môi trường có đủ tư cách pháp nhân, trang thiết bị và nhân lực. Tại khu vực nông thôn, việc thu gom CTRSH chủ yếu do hợp tác xã tự tổ chức thu gom.

Mặt khác, vùng nông thôn do phân bố dân cư khá xa nhau dẫn đến việc thu gom rác chưa triệt để, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, việc thu gom rác thải hầu như chưa thực hiện, rác thải thường được đốt tại gia đình.

Cho đến nay, tổng lượng CTRSH thu gom được xử lý khoảng 1.305,86 tấn/ngày đạt 96,9% (trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 529,21 tấn/ngày đạt 98,6%, khu vực nông thôn khoảng 776,65 tấn/ngày đạt 95,8%).

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 khu xử lý CTRSH đang hoạt động. Trong đó 11 khu xử lý CTR được xây dựng theo đúng quy hoạch; 01 khu xử lý đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, sử dụng phương pháp chôn lấp/bán chôn lấp hoặc đốt tự phát.

Bên cạnh đó, hiện có một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành xây dựng.

Có thể kể đến Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng Tân Kỳ tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ do Công ty CP xây dựng môi trường thương mại Hoàng Gia Quân làm chủ dự án có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 96 tấn/ngày và công suất xử lý chất thải nguy hại, công nghiệp là 48 tấn/ngày. Dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM tại Quyết định số 2449/QĐ-BTNMT ngày 14/12/2021.

3.jpg
Công nghệ xử lý rác thải là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý ngành môi trường tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Thái Hòa tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa do Công ty CP năng lượng và môi trường VN làm chủ dự án có công suất 192 tấn/ngày đêm, (trong đó chất thải rắn sinh hoạt 96 tấn/ngày đêm, chất thải công nghiệp, nguy hại, y tế 96 tấn/ngày đêm). Dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo ĐTM tại Quyết định số 3467/QĐ-BTNMT ngày 12/12/2022.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải Nam Đàn tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn do Công ty TNHH xây dựng và phát triển đô thị Phú An làm chủ dự án. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM tại quyết định số 297/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 với công suất thiết kế 75 tấn/ngày.

Dự án Hệ thống bãi xử lý rác thải thị trấn Anh Sơn và các vùng phụ cận huyện Anh Sơn tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An do UBND huyện Anh Sơn làm chủ dự án. Dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3218/QĐ-UBND ngày 01/9/2023 của UBND tỉnh Nghệ An.

Kỳ vọng dự án điện rác nghìn tỷ

Trên cơ sở tái cơ cấu cổ đông, thay đổi công nghệ và tổng mức đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần Galax đầu tư dự án Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Đây là dự án thay thế dự án Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi cũ.

Nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò ghi Martin của Đức kết hợp phát điện hiện đại tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Nhà máy có công suất xử lý 1.500 tấn rác thải/ngày đêm, kết hợp phát điện với tổng công suất 30MW.

1.jpg
Phối cảnh dự án Nhà máy điện rác công nghệ Đức có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn phân kỳ. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 20MW. Bên cạnh đó, công suất xử lý chất thải y tế 3 tấn/ngày đêm. Dự kiến giai đoạn 1 dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2027.

Ở giai đoạn 2, dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2030, sẽ nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt thêm 500 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 10MW, tái chế 6 tấn nhựa PE/ngày đêm, tái chế 3 tấn dầu DO/ngày đêm.

Được biết, Dự án sử dụng công nghệ lò ghi cơ học kiểu Martin của Đức, kết hợp phát điện thuộc danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao. Công nghệ này đang được sử dụng tại một số nhà máy điện rác ở Việt Nam vì không kén chọn loại rác và kích cỡ rác thải, không cần phân loại rác đầu nguồn, phù hợp với thực tiễn ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng hiện nay.

So với công nghệ đốt rác thông thường thì công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng như lò ghi Martin hiện đang là xu hướng chuyển đổi của các địa phương để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp và tận dụng tài nguyên rác để tái tạo năng lượng, tiến tới đóng cửa bãi rác chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm nguồn nước ngầm…

2.jpg
Khi liên hợp xử lý rác thải rắn Nghi Yên - Nơi dự kiến đến năm 2027 tất cả 8 ô chôn lấp rác thải sẽ đầy.

Được biết, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được xây dựng theo công nghệ Đan Mạch, có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, trên diện tích 53ha, hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2012 với công suất 300 tấn rác thải sinh hoạt và 3 tấn rác thải y tế/ ngày đêm. Tuy nhiên, do không đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, công suất xử lý và công tác bảo vệ môi trường nên năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động.

Theo quy hoạch, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại phát sinh của vùng liên huyện gồm: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu. Toàn bộ Khu liên hợp có 8 hố chôn lấp rác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chỉ còn 3 hố để tiếp nhận rác thải, dự kiến đến năm 2027 sẽ đầy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Kỳ vọng bước “đột phá” trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO